Vì sao Hạ Long xứng đáng là kỳ quan?

 Tối nay - 29/10, chương trình Cầu truyền hình trực tiếp vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long mang tên “Hạ Long thần tiên” sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam để đông đảo khán giả cả nước cùng theo dõi và bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Chương trình diễn ra tại 4 đầu cầu : Hạ Long, Hà Nội, Huế, TP.HCM.

Tối nay - 29/10, chương trình Cầu truyền hình trực tiếp vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long mang tên “Hạ Long thần tiên” sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam để đông đảo khán giả cả nước cùng theo dõi và bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Chương trình diễn ra tại 4 đầu cầu: Hạ Long, Hà Nội, Huế, TP.HCM.

Một thoáng Hạ Long

Tứ tuyệt diệu kỳ

Ðến nay, danh thắng Vịnh Hạ Long của Việt Nam đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới bởi các giá trị độc đáo về cảnh quan và địa chất, địa mạo (năm 1994 và 2000). Nhưng không chỉ tuyệt sắc, Hạ Long còn ẩn chứa trong mình bốn điều kỳ diệu hiếm có.

Hạ Long là kỳ quan sinh ra từ truyền thuyết. Thủa xa xưa, vào một ngày nọ, khi đất nước đang lâm nguy, giặc ngoại bang tràn tới giết người, cướp của... Bỗng trên trời có một con rồng xanh bất ngờ xuất hiện và bay xuống vùng biển Đông Bắc. Rồng xanh hóa thành hàng ngàn hòn đảo lớn, nhở, hình thù kỳ lạ, muôn hình vạn trạng, giống như một mê cung bằng đá, mọc lên giữa biển, ngăn bước tiến của giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Vịnh Hạ Long (tức Vịnh rồng hạ). Nơi đàn Rồng con quay về chầu mẹ là Vịnh Bái Tử Long.

Truyền thuyết ấy có lễ đã gắn với quan niệm của người Việt xưa về tổ tiên mình là Rồng và Tiên. Ngày nay, những cư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long vẫn kể lại cho con cháu họ truyền thuyết rằng, nơi đây, tổ tiên của người Việt là Lạc Long Quân và Âu cơ đã giao duyên và sinh hạ trăm trứng là 100 người con đầu tiên của dân tộc Lạc Việt. Địa thế Hạ Long cũng như một minh chứng với những đảo và núi phân bổ nhấp nhô uốn khúc như dáng con Rồng đang uốn lượn trên sóng nước. Trong số những hòn đảo trên Vịnh Hạ Long lại có những Hòn Rồng, Hòn Long Châu…cũng mang dáng đầu Rồng, đuôi Rồng.

Điều kỳ diệu thứ hai đó là Hạ Long là biểu tượng đất nước Việt Nam. Tất cả các truyền thuyết liên quan đến Vịnh Hạ Long đều thể hiện rất rõ ý nghĩa của hình tượng con Rồng trong tâm linh người Việt. Rồng là tổ tiên người Việt, là biểu tượng của sự che chở; rồng tượng trưng cho sự biến hóa khôn cùng; rồng tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên; Rồng tượng trưng cho lý tưởng cần đạt được. Tất cả những ý nghĩa tinh thần trên về hình tượng con rồng rất phù hợp với khung cảnh địa thế của Vịnh Hạ Long, khiến cho Vịnh Hạ Long trở thành một biểu tượng rất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Hạ Long còn biết tới là di sản của nhân loại. Vịnh Hạ Long không chỉ là vùng địa linh của dân tộc Việt Nam, nơi quy tụ hào khí cha ông với nhiều chiến công lừng lẫy trong việc bảo vệ bờ cõi của non sông, nơi hiên ngang chống đỡ mọi thách thức của thiên nhiên, nơi ghi lại dấu ấn của người Việt cổ qua bao trận biển tiến, biển lùi... Hơn thế nữa, Vịnh Hạ Long đã trở thành di sản của nhân loại với các giá trị địa chất và cảnh quan độc nhất vô nhị mang ý nghĩa toàn cầu.

Và sự kỳ diệu cuối cùng đó là Hạ Long là minh chứng hùng hồn của triết học phương Đông. Cảnh quan địa chất của Hạ Long thể hiện sự biến hóa không ngừng của đá và nước, của âm và dương, của tĩnh và động... Trong tác phẩm “Đá và Nước” nổi tiếng, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Con người mãi mãi từ xưa và mãi mãi về sau sẽ không bao giờ có thể tìm ra, sáng tạo ra cái ngôn ngữ khả dĩ diễn đạt được tác phẩm tuyệt vời kia của tạo hóa. Tất cả các ngôn ngữ đều bất lực. Bởi lẽ Hạ Long trước hết là một ngôn ngữ tự nó. Một ngôn ngữ duy nhất... có hai mẫu tự, hai chữ cái: Đá và Nước. Chỉ có hai yếu tố trong bao nhiêu yếu tố giàu có của trời đất. Chỉ có hai chất liệu trong vô vàn chất liệu có thể có, để viết, để vẽ, để điêu khắc, để sáng tạo nên tất cả…”

 

Hạ Long trong trái tim người Việt

Hiện tại, chiến dịch “nước rút” tuyên truyền, vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long đang được diễn ra sôi động trên các lĩnh vực và đến với nhiều tầng lớp xã hội đồng lòng hướng về Vịnh Hạ Long bằng việc tổ chức các cuộc thi đua và bầu chọn tập thể.

Nhưng cũng xin nói rằng, không phải đến bây giờ Hạ Long mới nhận được nhiều sự ưu ái như vậy, mà đã từ lâu Hạ Long luôn nằm trong trái tim người Việt và bạn bè quốc tế. Bằng chứng là trước vẻ đẹp kỳ ảo của trời, nước Hạ Long, nhiều danh nhân trong và ngoài nước từ bao đời nay không ngớt lời ca ngợi bằng nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là bằng ngôn ngữ của thi ca. Từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi (1380 - 1442), nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, khi qua Hạ Long đã thốt lên:“Đường đến Vân Đồn lắm núi sa/Kỳ quan đất dựng giữa trời cao/Một vùng biếc sẫm gương lồng bón/Muôn hộc xanh om tóc mượt màu...”.

Nhà vua, thi sĩ Lê Thánh Tông (1442 - 1497) một lần tuần du An Bang (tên cũ của Quảng Ninh) trước cảnh đẹp Vịnh Hạ Long đã làm thơ đề trên vách núi ca ngợi vẻ đẹp nơi này . Các thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam thời cận hiện đại khi đến Hạ Long đã có những vần thơ ca ngợi. Nhà thơ Xuân Diệu, rồi nhà thơ Chế Lan Viên cũng khắc họa bức tranh toàn bích của Hạ Long bằng thơ: "Vịnh Hạ Long không một bóng rồng lên/Sóng vươn trăm dặm mình xanh biếc/Trời tháng sáu cười từng bể bạc/Từng bể hoa vỗ trắng thân thuyền…”.

 Không chỉ danh nhân, thi sĩ mà các chính khách nước ngoài  khi đến Vịnh Hạ Long hầu hết đều có chung một nhận xét “Chưa đến Hạ Long, chưa thật biết Việt Nam”. Ngày 9/9/2001, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Bằng khi đến Việt Nam đã thốt lên “Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long làm chúng tôi quên đường về”.

Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Tumar Oder ca ngợi Vịnh Hạ Long: “Vịnh Hạ Long là nơi đẹp có một không hai trên thế giới. Khách nước ngoài thực sự khâm phục, thích thú”. Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf hết lời ca ngợi Vịnh Hạ Long trong chuyến thăm Vịnh ngày 2/2/2004: “Trước khi chuẩn bị cho chuyến thăm này, chúng tôi đã được nghe và đọc rất nhiều về đất nước tươi đẹp và quyến rũ này. Chúng tôi không bị thất vọng mà ngược lại. Tôi đánh giá cao về vẻ đẹp thiên nhiên của Vịnh”...

Với sự nhiệt tình quan tâm và tình cảm của đông đảo nhân dân, du khách và bạn bè quốc tế, hy vọng ngày 11/11 tới, trong danh sách bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới mà New Open World công bố, sẽ có tên Vịnh Hạ Long của Việt Nam.

Thùy Dương

Đọc thêm