Vì sao nên giao ACV đầu tư các hạng mục chính Cảng hàng không Long Thành?

(PLVN) - Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng vì lợi ích an ninh - quốc phòng, Nhà nước cần nắm vai trò chủ đạo tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Mô phỏng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành
Mô phỏng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có phiên họp Thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1. Các ý kiến phát biểu đều thống nhất quan điểm cần thiết đầu tư dự án Long Thành nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và đón đầu cơ hội trở thành điểm trung chuyển quốc tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều băn khoăn.

Để cung cấp thêm thông tin cho độc giả về câu chuyện đầu tư hàng không với nhiều đặc thù, vì sao nên giao cho Tổng công ty nhà nước đóng vai trò chủ lực trong đầu tư "siêu dự án" này, Báo Giao thông có buổi trò chuyện với ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Ông Hạnh Nguyễn là nhà đầu tư nhà ga Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh theo chủ trương xã hội hóa ngành hàng không của Chính phủ và là người có vai trò quan trọng trong việc mở đường bay Việt Nam và Phillipines trong bối cảnh kinh tế đối ngoại khó khăn do bị Mỹ cấm vận. Ông Hạnh Nguyễn từng là thanh tra tài chính của Boeing Sub Contractor tại Mỹ và có 40 năm kinh doanh trong ngành hàng không Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết đầu tư Cảng hàng không nói chung và Cảng HKQT Long Thành nói riêng?

- Theo báo cáo của Hội đồng các cảng hàng không quốc tế ACI, nhu cầu vận tải hàng không trên thế giới liên tục tăng trưởng trong những năm qua, dự báo sẽ tăng gấp đôi từ 8,7 tỷ lượt hành khách trong năm 2018 lên 17 tỷ lượt trong năm 2033, và đạt mức 22 tỷ lượt hành khách tới năm 2040.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5% mỗi năm, việc đầu tư hạ tầng hàng không tại các nước luôn được chú trọng. Dự kiến tổng kế hoạch nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không của 50 nước trên thế giới đạt tương đương 433 tỷ USD trong các năm tới.

Có thể điểm tên một số sân bay đang thực hiện như: Sân bay Al Maktoum tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cho 220 triệu hành khách với tổng vốn đầu tư 32,67 tỷ USD; sân bay Heathrow nâng công suất từ 85,5 triệu hành khách lên 130 triệu hành khách với tổng vốn khoảng 18,5 tỷ USD; sân bay Beijing Daxing công suất 72 triệu hành khách với tổng vốn khoảng 13 tỷ USD…

Keyword đầu tiên có dấu
Ông Hạnh Nguyễn phát biểu với tư cách chuyên gia tại phiên thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không QT Long Thành giai đoạn 1 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức

Ở Việt Nam, việc đầu tư cảng hàng không đủ sức làm điểm trung quốc tế được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm. Hiện dự án đã được tách phần giải phóng mặt bằng để triển khai trước. Đây là lợi thế vì Cảng HKQT Long Thành được Nhà nước giao quỹ đất rất lớn để phát triển từ đầu và quy hoạch một cách tổng thể, bài bản cho cả 3 giai đoạn liền mạch với công suất lên tới 100 triệu hành khách.

Theo tôi, quy hoạch sân bay Long Thành đến nay cũng đã được tư vấn thiết kế rất hợp lý, hiệu quả, bố trí vận hành và quản lý tập trung… sẽ giảm thiểu được thời gian di chuyển của hành khách, giảm thiểu rất nhiều chi phí vận hành.

Việt Nam đi sau nhưng quy hoạch có tư duy bài bản, tầm nhìn xa, rút kinh nghiệm và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại cũng là một lợi thế so với các sân bay lớn trong khu vực đã xây dựng trước và không còn đủ quỹ đất để mở rộng.

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, bên cạnh mục tiêu trước mắt là khắc phục tình trạng quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, về lâu dài, sự đầu tư có tính toán theo hướng bền vững là cần thiết, để Việt Nam có được một trung tâm trung chuyển hàng không lớn của quốc tế và cả khu vực.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc thu hút nguồn vốn lên tới 5 tỷ USD để xây dựng CHKQT Long Thành rất khó khăn? Vậy bài toán tài chính đối với dự án này cần được nhìn nhận như thế nào?

Dự án Cảng HKQT Long Thành với tổng vốn đầu tư cho giai đoạn đầu được dự toán khoảng 4,78 tỷ USD. Báo cáo nghiên cứu khả thi của nhóm tư vấn và của ACV, dự án đáp ứng các tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường và tài chính cho chủ đầu tư và sẽ thu hồi vốn trong vòng 12 năm 10 tháng.

Dù chưa thể lượng hóa hết những lợi ích gián tiếp mang lại khi dự án hoàn thành như: tạo đà thúc đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế khu vực phía Nam, đẩy mạnh việc mở cửa, hội nhập với các nước trong khu vực, tạo ra hàng trăm ngàn công việc khi đi vào vận hành, các chỉ tiêu hiệu quả của dự án đã chứng minh đây là dự án có tính khả thi cao.

Trong quá trình làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế để thu xếp vốn cho dự án nhà ga quốc tế Cam Ranh, tôi đã tiếp xúc với một số tổ chức tài chính có tiềm lực mạnh như: BNP Paribas, Credit Suisse, Lotte Group của Hàn Quốc và một số tổ chức tài chính của Mỹ. Sau khi nắm được thông tin sơ bộ về dự án Cảng HKQT Long Thành, các tổ chức tài chính này đều bày tỏ quan tâm và mong muốn được làm việc và tài trợ cho dự án. Với dự kiến lãi suất vay khoảng 5.5%/năm từ các tổ chức tài chính nước ngoài, tôi hoàn toàn tin tưởng việc huy động số vốn vay cho Dự án trong giai đoạn 1 là khả thi.

Theo tôi được biết, ACV cũng đã làm việc với một số tổ chức tín dụng và hầu như tất cả đều mong muốn được tham gia tài trợ dự án Cảng HKQT Long Thành.

Nếu giải được bài toán nguồn vốn, chúng ta đã nắm chắc phần thành công vì chính sự tham gia tài trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế là câu trả lời bảo đảm sự thành công của dự án.

- Nhiều nước trên thế giới đã tư nhân hóa cảng hàng không. Việt Nam cũng đang thí điểm mô hình này. Nhưng với dự án Long Thành, ông lại ủng hộ Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vì sao lại như vậy ?

- Việc xã hội hóa các công trình cảng hàng không phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu, định hướng của Chính phủ về quốc phòng, an ninh và yêu cầu ổn định cơ sở hạ tầng. Qua tham khảo một số cảng hàng không ở các nước có quy mô tương tự Long Thành, đa phần các cảng này vẫn do Chính phủ hoặc Tổng công ty nhà nước đầu tư và vận hành, như: Cảng HKQT Changi; Cảng HKQT Incheon, Cảng HKQT Charles de Gaulle, Cảng HKQT Frankfurt, Cảng HKQT Suvarnabhumi.

Đồng thời, cũng theo khuyến cáo của các tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn, thì một cảng hàng không có tầm vóc quan trọng của quốc gia cần được đầu tư và vận hành khai thác theo cơ chế "Một cảng hàng không - Một nhà khai thác".

Thời gian đầu tư cả 3 giai đoạn của Cảng HKQT Long Thành lên tới 20-30 năm. Chỉ khi chọn được 1 đơn vị có tầm nhìn chiến lược và gắn lợi ích lâu dài của doanh nghiệp với sự phát triển cảng hàng không và của đất nước mới có thể đảm bảo tất cả giai đoạn đầu tư tiếp theo được thực hiện đồng bộ, tập trung, tránh các xung đột lợi ích.

Một cảng hàng không ở quy mô lớn, ngoài việc có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành hàng không, còn có ảnh hưởng gián tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả quốc gia. Cảng HKQT Long Thành còn là một cảng hàng không chiến lược có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống an ninh - quốc phòng của nước ta. Theo quy hoạch, sẽ có 1.050ha là đất quốc phòng căn cứ dự bị chiến lược của lực lượng phòng không - không quân trong công tác bảo vệ đất liền, vùng trời và biển đảo phía Nam của Tổ quốc.

Ý thức được các vấn đề nêu trên, mặc dù là tôi đã tổ chức xây dựng và vận hành thành công trong việc đầu tư Nhà ga quốc tế Cam Ranh, nếu xem xét trên các yếu tố tổng thể về an ninh - quốc phòng và lợi ích của Nhà nước, tôi nhận thấy, Nhà nước vẫn cần nắm giữ vai trò chủ đạo tại Cảng HKQT Long Thành.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị có hơn 95% vốn Nhà nước nếu được giao làm chủ đầu tư dự án, Chính phủ vẫn có thể quản lý, điều hành và đưa ra những chiến lược, quyết sách ưu tiên cho các lợi ích về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, chứ không đơn thuần là hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy.

- Việc đảm bảo tiến độ dự án có ý nghĩa quan trọng như thế nào thưa ông?

- Trong hoàn cảnh đất nước ta đang tăng cường hội nhập và phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không hơn 10% một năm, thuộc hàng cao nhất thế giới thì việc Việt Nam cần tận dụng dư địa tăng trưởng này để sớm đưa Cảng HKQT Long Thành vào hoạt động như tiến độ đã báo cáo là vô cùng quan trọng.

Nếu chậm trễ sẽ vô hình trung làm mất đi hàng vạn cơ hội việc làm, hàng trăm triệu USD doanh thu của nhiều nhóm ngành dịch vụ, thương mại, du lịch; khiến nước ta mất đi ưu thế cạnh tranh trong việc thu hút các đường bay trung chuyển trước các dự án đang mở rộng, nâng cấp của các cảng hàng không lớn trong khu vực mà các nước như Thái Lan, hay Singapore đang thực hiện tại Cảng HKQT Suvarnabhumi và Cảng HKQT Changi.

Với kinh nghiệm đã tích lũy hơn 40 năm hoạt động trong ngành hàng không, là nhà phân phối hơn 100 thương hiệu quốc tế, là đối tác của các tập đoàn lớn trên thế giới, có các mối quan hệ với các tổ chức tài chính lớn, tôi sẵn sàng đóng góp kinh nghiệm, năng lực của mình vào quá trình triển khai dự án... Tôi, cũng như cộng đồng doanh nhân, người dân Việt Nam đều rất mong muốn dự án sớm được phê duyệt, sớm hoàn thành và đi vào hoạt động.

Với khả năng của ACV, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng không trong nước và dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ sớm có Cảng HKQT Long Thành có quy mô, chất lượng sánh ngang các nước phát triển và đủ sức cạnh tranh với cảng hàng không tại các nước lân cận.

- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi!

Sáng 14/10, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13 để thẩm tra tờ trình của Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tờ trình của Chính phủ chia giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành thành 4 hạng mục và đề xuất:

Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): giao Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ) giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư: theo quy định của luật Đầu tư.

Trình bày tờ tình của Chính phủ tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho hay, một trong những nội dung mới của báo cáo là Chính phủ muốn đề xuất Quốc hội thông qua việc giao cho ACV đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư 4,8 tỉ USD, tương đương 111.000 tỉ đồng.

Đọc thêm