Vì sao phượng vĩ dễ bật gốc mùa hè?

(PLVN) - Mùa hè khi phượng vĩ ra hoa sẽ làm tán cây bị nặng, thêm vào đó mùa mưa khiến đất mềm tăng nguy cơ bị bật gốc.

Phượng vĩ là một loại cây được trồng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới, bắt nguồn từ Madagascar. Phượng vĩ thuộc dạng cây gỗ lớn, cao 10-20m, phân nhánh nhiều, mọc nghiêng nên tán mở rộng và dày.

Đây là loại cây ưa sáng, phù hợp với đất giàu dinh dưỡng, ẩm nhưng phải thoát nước tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó cây vẫn chịu được các điều kiện khô hạn, đất mặn. Cành cây rất giòn, dễ gãy khi bị sâu đục phía trong thân.

Tại Việt Nam, phượng vĩ được trồng nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, đặc biệt là Hải Phòng - nơi được mệnh danh là thành phố Hoa phượng đỏ.

Mặc dù là loại cây dễ trồng nhưng phượng vĩ tuổi thọ không cao, chỉ khoảng 30 năm là già cỗi, có dấu hiệu sâu bệnh, thân bắt đầu mục rỗng. Nếu có điều kiện thuận lợi, cây chỉ có tuổi thọ kéo dài không quá 50 năm. Phượng vĩ ra hoa từ tháng 4 – tháng 6 hàng năm, tùy theo khu vực có thể ra hoa sớm hay muộn hơn.

Loại cây sở hữu sắc hoa màu đỏ rực rỡ này lại có hệ rễ rất lớn nên cũng cần có diện đất rộng rãi để phát triển. Nếu trồng trong các khuôn viên công cộng như trường học, công viên với nền đất đã bê tông hóa, không gian sống của hệ rễ cây xanh bị thu hẹp, làm đứt đoạn sinh trưởng của rễ, từ đó khiến cây xanh có nguy cơ dễ ngã đổ hơn khi có mưa to gió lớn, mặt khác lại dễ gây tổn hại đến các công trình như làm nứt đường sá, sân chơi...

Trong thời tiết mưa nặng hạt, cây không thể thoát nước kịp cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn khi cây có thể bị bật gốc bất cứ lúc nào.

Theo TS Đinh Quang Diệp - Trường ĐH Nông lâm TPHCM, đặc tính cây phượng vĩ có hệ thống rễ yếu. Đặc biệt mùa hè, mùa cây này ra hoa sẽ làm tán cây bị nặng, thêm vào đó mùa mưa khiến đất mềm tăng nguy cơ bị bật gốc.

Cây phượng bật gốc khiến 1 học sinh tử vong.
 Cây phượng bật gốc khiến 1 học sinh tử vong.

"Cây phượng vĩ ít rễ nhưng tán thưa, do đó trồng trong trường học vẫn được nhưng phải kiểm tra thường xuyên, chăm sóc kỹ. Đối với các cây lâu năm già cỗi thì nên đốn hạ thay thế bằng các cây trồng có cấu tạo rễ mọc sâu" - ông Diệp lưu ý.

Còn theo ông TS Lê Minh Trung - nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM, người trong nghề có thể nhìn qua các dấu hiệu trên sẽ biết cây có hư hại, ruỗng thân hay bị sâu mọt và có hướng xử lý, ở trường thì các giáo viên, nhân viên khó nhận ra. Ở trường học, đối với cây phượng vĩ thì trồng được, còn riêng cây bàng tuyệt đối không nên.

Hầu hết các trường thường trồng cây phượng vĩ vì gắn với học trò nhưng phải có biện pháp theo dõi, cắt tỉa thường xuyên. Với các cây to lâu năm cần quan sát, kiểm tra theo dõi phần thân, khi thấy mối mọt hay thân cây bị sâu cần báo cho công ty cây xanh để kiểm tra, tránh sự cố đáng tiếc.

Hoặc các trường học có thể phối hợp với phía công ty cây xanh để kiểm tra định kỳ hệ thống cây trong trường.

Đọc thêm