Vì sao PVN không 'thắng' được EVN trong tiếp quản điện Phú Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý

PVN chủ động được nguồn khí để vận hành 2 nhà máy, nhưng EVN có kinh nghiệm 30 năm quản lý các nhiệt điện (Ảnh minh họa)
PVN chủ động được nguồn khí để vận hành 2 nhà máy, nhưng EVN có kinh nghiệm 30 năm quản lý các nhiệt điện (Ảnh minh họa)

Liên quan đến đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình sau chuyển giao 2 Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ (NMĐ), báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết: Ngày 11/10/2021,Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản 6205/EVN-TTÐ đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng giao EVN là đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hảnh, kinh doanh bảo trì các nhà máy. Trước đó - ngày 7/9/2021, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng có văn bản 5085/DKVN-Đ&NLTT đề nghị báo cáo Thủ tướng giao các NMĐ này về PVN.

PVN khẳng định hoàn toàn chủ động được nguồn nhiên liệu cho 2 NMĐ vận hành ở mức cao nhất nhờ nguồn khí tự nhiên trong nước và LNG nhập khẩu. Bên cạnh đó, do ưu thế sở hữu cơ sở hạ tầng khí hoàn chỉnh cùng đội ngũ nhân lực nên PVN có nhiều thuận lợi để thu xếp được nhiên liệu với chi phí cạnh tranh nhất cho 2 NMĐ: lợi thế trong đàm phán với nhà cung cấp khí để đạt mức giá cạnh tranh, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh có sự kết nối giữa các nguồn cho phép điều tiết và cấp bù qua lại linh hoạt, năng lực chuyên môn và tính chuyên nghiệp trong đàm phán, hạn chế rủi ro, thiệt hại.

Ngoài ra, PVN cũng có ưu thế tài chính để cân đối chi phí vốn trong hoạt động của NMĐ, đặc biệt chi phí mua nhiên liệu, cải tạo công nghệ, thiết bị; ưu thế về vận hành, điều độ khí do PVN là nhà cung cấp khí duy nhất trên thị trường, được giao nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống; có nguồn nhân lực nội tại từ các nhà máy Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2…

Ngày 24/11/2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn 8594/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý (gồm các NMĐ BOT khi kết thúc Hợp đồng BOT chuyển giao cho phía EVN quản lý).

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ trong tháng 6/2022. Với lý do trên, Bộ Công Thương cho rằng, khi tiếp nhận các NMĐ vào các năm 2024 - 2025, EVN sẽ thực hiện tiếp nhận, quản lý tại Nghị định này.

Theo Bộ Công Thương, cơ quan này báo cáo đề xuất Thủ tướng chấp thuận giao EVN là đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình sau chuyển giao, với các lý do:

EVN là DN điện lực đầu tiên do Nhà nước làm chủ sở hữu, có 30 năm kinh nghiệm trong quản lý vận hành các NMĐ; là DN đầu tiên tại Việt Nam đầu tư và vận hành các NMÐ tuabin khí. Hiện, EVN đang quản lý 35 nhà máy, trong đó có 6 nhà máy tuabin khí với đội ngũ cán bộ 97 ngàn người (gồm các khâu từ phát điện, truyền tải đến phân phối và bán lẻ). EVN có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực tài chính, nhân sự để tiếp nhận, vận hành các NMÐ theo hướng dẫn.

Ngoài ra, EVN là đơn vị đang vận hành các nhà máy chạy khí tương tự, đồng thời đã tham gia với Bộ Công Thương trong toàn bộ quá trình đấu thầu, đàm phán các hợp đồng dự án và thực hiện cả hai dự án BOT trên cho đến nay.

Từ trước đến nay, EVN và Cty BOT đã thành lập Ban điều phối liên hợp, họp ít nhất 3 tháng/lần từ khi các NMĐ đi vào vận hành để thực hiện các nhiệm vụ điều phối… nên EVN có đủ thông tin, hồ sơ chi tiết về tình trạng, chất lượng NMĐ. Việc giao EVN quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình sau chuyển giao cũng là phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN.

Về đề xuất của PVN, Bộ Công Thương cho biết, hiện PVN có TCty Điện lực Dầu khí (PV Power) đang quản lý 4 nhà máy tuabin khí. PVN bắt đầu xây dựng NMĐ đầu tiên từ 2007, nhưng TCty PVPower hiện đã cổ phần hóa (PVN chiếm 79,94% cổ phần), Cty mẹ PVN hiện không trực tiếp quản lý NMĐ nào, trong khi không thể giao PVPower là Cty cổ phần tiếp nhận nhà máy.

Đọc thêm