Vì sao rút ngắn thời gian tiêm mũi ba từ 6 tháng xuống 3 tháng?

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết rút ngắn khoảng cách tiêm mũi ba sau mũi hai từ 6 tháng xuống còn 3 tháng nhằm tăng cường kháng thể để chống lại sự lây lan của biến chủng Omicron.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết rút ngắn khoảng cách tiêm mũi ba sau mũi hai từ 6 tháng xuống còn 3 tháng nhằm tăng cường kháng thể để chống lại sự lây lan của biến chủng Omicron.

"Việc rút ngắn thời gian tiêm này dựa theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước", Thứ trưởng Sơn trả lời VnEpxress trưa 21/12 và nói thêm rằng đây là biện pháp tăng cường nhằm chống lại sự lây lan của biến chủng Omicron.

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể Omicron, song nguy cơ mầm bệnh xâm nhập là rất lớn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11 đến nay đã xét nghiệm dương tính, giải trình tự gene virus nhằm xác định biến thể Omicron.

Ngày 20/12, hãng Reuters cũng đưa tin ngày càng nhiều nước rút thời gian chờ tiêm liều vaccine thứ ba từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc biến thể Omicron. Một vài nước như Hàn Quốc, Anh và Thái Lan đã rút thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 3 tháng, trong khi Bỉ rút xuống còn 4 tháng.

Theo hướng dẫn ban hành hôm 17/12, Bộ Y tế cho phép tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc; hoặc liều bổ sung cho người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế. Khoảng cách tiêm liều nhắc lại xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai) như trước đây.

Cũng theo hướng dẫn này, người đã tiêm vaccine Vero Cell, Sputnik V; người đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV... tiêm thêm mũi thứ ba mới được xem hoàn tất liều cơ bản.

Hiện, một vài tỉnh thành đã tiến hành tiêm liều nhắc lại cho người dân như Hà Nội, Bắc Giang, Nghệ An, TP HCM, Vĩnh Long, Bến Tre, Tây Ninh... Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 20/12, cả nước đã tiêm 241.237 liều nhắc lại, trong đó miền Nam tiêm được nhiều nhất với hơn 194.000 liều, miền Bắc tiêm được hơn 41.000 liều, miền Trung hơn 500 liều, trong khi Tây Nguyên chưa tiêm.

Một vài tỉnh cũng đã tiêm liều bổ sung cho người dân, tuy nhiên số lượng ít, tính đến ngày 20/12 cả nước tiêm khoảng 40.500 liều.

Nhân viên y tế kiểm tra thông tin trên lọ vaccine COVID-19. Ảnh: Giang Huy

Từ tháng 3 đến hết ngày 19/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 171,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 . Bộ Y tế đã phân bổ 104 đợt với tổng số 154,5 triệu liều, còn khoảng 17,1 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.

Đến hết ngày 19/12, cả nước đã tiêm được 139, 4 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 90,2% số vaccine phân bổ. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi một cho người trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi hai cho những người đã tiêm mũi một đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 130,1 triệu, trong đó có 69,1 triệu mũi một, 59,7 triệu mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 96,9% và tỷ lệ tiêm đủ hai liều vaccine là 83,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Về triển khai tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã tiêm được 9, 2 triệu liều, trong đó có 6, 7 triệu liều mũi một và 2,5 triệu liều mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 73,4% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều là 28,1% dân số độ tuổi này. Các tỉnh thành phố đã cơ bản bao phủ đủ hai liều vaccine cho nhóm tuổi này là Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Đọc thêm