Vì sao thủy điện nhỏ phát triển nhanh?

(PLO) - Việt Nam có gần 300 hồ thủy điện (TĐ) trong tổng số gần 7000 hồ đập; thời gian qua các hồ đập nhỏ phát triển rất nhanh. Vậy đâu là nguyên nhân? PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Vinh - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC). 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

Thưa ông, thời gian qua, nhiều TĐ xả lũ khiến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân vùng hạ du bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy làm thế nào để TĐ không gây hại?

- TĐ không phải là nguyên nhân tạo nên lũ. Vấn đề ở đây là câu chuyện vận hành hồ chứa. Một thuỷ điện đa mục tiêu, được điều hành thận trọng, đúng quy trình sẽ giảm tác động của lũ lụt cho hạ du. Có thể thấy, người dân ở Đồng bằng sông Hồng từ khi có thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà và mới đây là Tuyên Quang, Sơn La…, nhiều năm qua, đã không còn mối lo về mùa lũ dữ.

Tuy nhiên, hiện phần lớn các công trình TĐ ở các hệ thống sông khác là công trình đơn mục tiêu, tức chỉ có nhiệm vụ chính là phát điện hoặc tưới, hoặc kết hợp. Khi thời tiết cực đoan hơn, mưa lũ nhiều hơn, lớn hơn, các hồ đơn mục tiêu sẽ khó vận hành theo ý muốn và sẽ tác động thêm vào lũ lụt hạ lưu. 

Mỗi hồ chứa TĐ với dung tích từ hàng triệu đến hàng tỷ m3 nước, nếu xảy ra sự cố đập sẽ là thảm họa không thể lường hết, đặc biệt đối với vùng hạ du. Bên cạnh đó, dù được thiết kế, thi công với tiêu chuẩn nghiêm ngặt, các đập và hồ chứa là những công trình nhân tạo, theo thời gian và chịu ảnh hưởng từ những biến động thiên nhiên, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu với các đợt mưa lớn gia tăng hiện nay. Do đó, cần phải hết sức quan tâm và kiểm soát vấn đề an toàn đập, hồ chứa TĐ từ khâu thiết kế, thi công và vận hành như đã được nêu trong Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. 

Thời gian qua, trên cả nước, TĐ nhỏ mọc lên như nấm. Theo ông, vì sao?

- TĐ nhỏ được xây dựng nhiều ở vùng Tây Nguyên, tại miền Trung là các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi; phía Bắc là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… Các doanh nghiệp đua nhau đầu tư xây dựng TĐ nhỏ khoảng 1,5-2 MW. TĐ nhỏ phát triển mạnh là do cơ chế bán điện. Khách hàng mua điện vào lúc cao điểm, giá cao gần như gấp đôi giá điện bình thường. Vì vậy, TĐ nhỏ tích nước, chỉ phát bán điện vào thời điểm đó. 1m3 nước khi ấy đối với phát điện là cả đống tiền, xả đi là ném tiền qua cửa sổ. Trừ thời điểm mưa lũ, các TĐ nhỏ đều tích nước dẫn tới dòng chảy yếu, hạ nguồn cạn kiệt.

Mặt khác, do phụ tải điện giờ cao điểm tăng, chỉ TĐ mới đáp ứng được nên TĐ vẫn là lựa chọn số 1. Ví dụ, phụ tải điện ở Hà Nội khoảng 1.000 KWh, khi vào giờ cao điểm sẽ tăng lên gấp đôi 2000 KWh. Các nguồn điện khác không thể trong giây lát đẩy phụ tải lên gấp đôi được. Như nhiệt điện, muốn tăng lên mức đó, phải cho nhiều than vào lò nhưng phải vài giờ sau, nhiệt nồi hơi mới tăng đến điểm đẩy phụ tải điện lên ngưỡng được. Trong khi đó, TĐ chỉ cần mở cửa van xả, tuốc bin quay, 1-2 phút sau đã lên đến cực điểm, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện. 

Thưa ông, từ vấn đề an toàn hồ đập, có nên tiếp tục xây dựng TĐ và tuổi thọ của hồ TĐ là bao nhiêu?

- Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), đến năm 2020, tổng công suất các nguồn TĐ bao gồm cả TĐ vừa và nhỏ, đạt khoảng 21.600MW; khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Trong đó, điện năng sản xuất từ nguồn TĐ chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5%, 20,5% và 15,5%. Theo đó, điện năng từ TĐ có tỷ trọng giảm xuống. Các dự án TĐ có nhiều rủi ro sẽ được xem xét và thay thế bằng các dự án năng lượng tái tạo khác ngoài TĐ với ít tác động hơn tới môi trường - xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng… Chúng tôi cho rằng số lượng các TĐ như hiện nay là đủ rồi, không nên xây dựng thêm nữa. 

Tuổi thọ của nhiệt điện là 30-35 năm, còn TĐ có tuổi thọ khoảng 100 năm. Khi ấy, hồ bị cát lấp đầy. Đất đá, bê tông xây dựng qua thời gian hỏng hóc, xuống cấp. Tùy từng TĐ, các nhà quản lý, nhà đầu tư sẽ xem xét nâng cấp sửa chữa hay dỡ bỏ TĐ lớn ngừng hoạt động phải tìm nguồn điện thay thế. Hiện thế giới có nhiều nước phá bỏ TĐ (Mỹ). Công trình TĐ tuổi thọ gần hết, các đập TĐ được phá bỏ để con sông trở về tình trạng tự nhiên, tạo nguồn thủy sinh dồi dào, phong phú, đa dạng…

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm