Vì sao vắc xin liên tiếp "giết người"?

Các chuyên gia y tế thừa nhận: Hoạt động tiêm chủng của chúng ta hiện nay còn quá nhiều tồn tại và bất cập cần giải quyết và khắc phục trong thời gian tới.

Sáng qua (2/8), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức giao lưu trực tuyến bàn về vấn đề tiêm chủng vắc xin, sau một loạt những “sự cố” đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực này. Tại đây, các chuyên gia y tế đã thừa nhận: Hoạt động tiêm chủng của chúng ta hiện nay còn quá nhiều tồn tại và bất cập cần giải quyết và khắc phục trong thời gian tới.

Trước những thắc mắc về việc vắc xin (VX) Quinvaxem có quyết định tạm dừng rồi lại cho sử dụng trở lại, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế PGS. TS. Trịnh Quân Huấn cho biết, trong khi chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến các ca tai biến nghiêm trọng trong thời gian qua liên quan đến vắc xin này, việc Bộ Y tế cho tạm  dừng sử dụng VX và gửi mẫu đi nước ngoài giám định và xác định Quinvaxem vẫn an toàn và không phải là nguyên nhân gây ra các ca tai biến nên Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng trở lại.

Theo TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, việc tạm dừng VX khi có tai biến xảy ra là việc nên làm, nhiều nước đã áp dụng và đây là giải pháp thận trọng để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Liên quan đến sự các “sự cố” xảy ra trong lĩnh vực tiêm chủng thời gian qua (từ tháng 7/2013 đến nay đã có 13 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng VX), TS. Nguyễn Trần Hiển cho hay, trước thực tế một loạt các ca tử vong đáng tiếc xảy ra sau khi tiêm chủng, Bộ Y tế đã tiến hành thanh, kiểm tra và phát hiện  một số lỗi kỹ thuật tại các điểm tiêm chủng cũng như trong hoạt động tổ chức, quản lý tiêm chủng. Tại Quảng Trị nơi đã xảy ra cái chết thương tâm của ba trẻ sau khi tiêm VX viêm gan B, có những sai sót cơ bản trong việc bảo quản VX (VX không đúng quy định, để lẫn lộn với các vật phẩm, thuốc khác; tiêm xong không lưu vỏ VX, bơm kim tiêm; sau tiêm trẻ phải được theo dõi, tiêm đúng nơi quy định, nhưng thực tế trẻ không được theo dõi nghiêm ngặt, tiêm tại bệnh phòng là không đúng nơi quy định).

Trước thực tế này, ông Hiển cho biết, tới đây Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh, kiểm tra một cách toàn diện (nhân sự có được tập huấn, cấp chứng chỉ không, điều kiện bảo quản, tiêu chuẩn cơ sở, cấp phát, tổ chức tiêm chủng???, thậm chí tiến hành thanh, kiểm tra sau tiêm, xác định nguyên nhân các trường hợp tai biến). Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị Cục Quản lý Dược xem xét cấp phép hồ sơ, xuất nhập khẩu, tạm dừng VX trong trường hợp cần thiết; Các Viện Pastter, vệ sinh dịch tễ thì tiến hành việc kiểm tra, đánh giá lại độ an toàn của VX… Đồng thời đẩy mạnh khâu tập huấn, cấp chứng chỉ, phát hiện kịp thời các lỗi, xử lý dứt điểm sai phạm.

Đối với nghi vấn “nên hay không nên tiêm VX viêm gan B cho trẻ sau 24 giờ đầu sau sinh”, TS. Trịnh Quân Huấn cho biết, nhiều nghiên cứu đã khẳng định, việc tiêm sau 24 giờ đầu sau sinh có tác dụng phòng bệnh rất tốt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khẳng định như vậy. Thực tế, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ em mới sinh ra mới sinh ra, trong đó tỷ lệ bà mẹ bị viêm gan B trung bình khoảng 16-20%, nhưng để xác định bà mẹ có bị viêm gan B trước sinh có cần tiêm hay không là một vấn đề không đơn giản. Chính vì thế, các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên tiêm cho trẻ 24 giờ đầu khi sinh là tốt nhất.

Cũng theo ông Huấn, thực tế tỷ lệ trẻ bị sốc phản vệ sau khi tiêm chủng VX rất ít, nhưng chỉ trong hai ngày đã có 4 trẻ bị tử vong do VX viêm gan B là chuyện rất đáng tiếc. Theo thống kê của Tổng cục DS – KHHGĐ thì,  tỷ lệ trẻ chết trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam là 15,8/1000 trẻ sống, nghĩa là trong số 1000 trẻ được sinh ra, sẽ có khoảng 50 trẻ tử vong không rõ nguyên nhân, do đó trường hợp trẻ tử vong vừa qua trùng với thời gian tiêm chủng là chuyện bình thường. Cũng không loại trừ các trường hợp trên tử vong là do chất lượng VX và quy trình tiêm chủng.

Vì lẽ đó, việc Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an vào điều tra, xác minh vụ việc là một việc làm đúng, vì từ trước đến nay, việc Bộ Y tế vừa cho phép, tổ chức tiêm phòng, vừa đánh giá sai phạm là không khách quan. Tuy nhiên, theo ông Huấn, không thể có VX làm chết cả ba trẻ cùng lúc như thế.

Đề cập đến việc xử lý và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp để xảy ra các ca tai biến, TS. Nguyễn Trần Hiển khẳng định, Điều 30 Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm quy định rất cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp để xảy ra tai biến. Nếu do VX thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, do tiêm nhầm thuốc thì cán bộ y tế trực tiếp tiêm chủng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân, sau khi có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng. Ngoài ra việc khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cũng đã được quy định trong văn bản. Tuy nhiên thực tế, các nhân viên y tế không làm như thế.

Cũng theo ông Hiển, việc nhiều cơ sở y tế buộc gia đình trẻ phải ký cam kết, tự chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố là không đúng quy định, Bộ Y tế chưa bao giờ đưa ra quy định đó.  “Tỷ lệ tiêm chủng giảm sau khi có sự cố xảy ra là một thực tế đáng buồn. Thực tế, tỷ lệ tai biến sau tiêm là mặc dù có nhưng vẫn tiếp tục đưa trẻ đi tiêm vì quyền lợi, trách nhiệm và tương lai của trẻ em. Bởi hiện nay dịch bệnh vẫn bùng phát rất nhiều…”. Nhưng “tuyệt đối những VX được tiêm chủng phải được xem xét lại; bổ sung lại quy trình tiêm chủng; đồng thời nghiên cứu, đánh giá và xây dựng một tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng VX, điều tra, xác minh các “sự số” sau tiêm chủng. Có như vậy chất lượng tiêm chủng cho trẻ em mới được bảo đảm” – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định.

Trà Long

Đọc thêm