Vì sao vận tải đường bộ vẫn vắng khách dù đã có 48 địa phương khôi phục hoạt động?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 13 đến 18/10, có 48 địa phương đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, tuy nhiên nhiều hành khách chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Chính phủ về công tác triển khai thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 13 đến 18/10, có 48 địa phương đã được UBND tỉnh đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. 15 Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh kế hoạch khôi phục lại tuyến.

Có 38 địa phương đã tổ chức khai thác với tổng số tuyến đăng ký là 793. Trong đó, số tuyến thực chạy là 588. Số chuyến đăng ký hoạt động/ngày là 1.970 chuyển. Số chuyến hoạt động thực tế là 1.037. Số xe hoạt động là 944 xe. Số khách vận chuyển là 5.641.

Cụ thể, 48 địa phương khôi phục vận tải hành khách gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Điện Biên, Đà Nẵng, TP HCM, Long An, Đắk Nông, Phú Thọ, Phú Yên, Lai Châu, KonTum, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắc, Nam Định, Bình Dương, Hưng Yên, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Giang, Gia Lai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Quảng Nam, Hà Nam, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bình Thuận, Bình Định, Hà Tĩnh, Khánh Hòa

Đánh giá về khó khăn trong quá trính thí điểm, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay việc yêu cầu lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine khó thực hiện bởi thực tế lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe ở hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 liều vaccine, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine còn thấp.

Bên cạnh đó, tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông này. Nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương.

Trong thời gian hoạt động thí điểm và trong quá trình khai thác tuyến, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận việc kiểm soát hành khách lên xuống xe dọc đường còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại tình trạng đón, trả khách dọc đường, không đúng tại các điểm dừng nghỉ hoặc việc kiểm soát ra/vào đối với phương tiện vận tải hành khách từng địa phương có các quy định chưa thống nhất.

Trên cơ sở này, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục ủng hộ việc mở lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ; công bố kịp thời cấp độ dịch tại địa phương để Sở Giao thông Vận tải các địa phương tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.

Đồng thời, các tỉnh, thành có kế hoạch khẩn trương tiêm vaccine cho lái xe, nhân viên phục vụ và các bộ công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để đảm bảo nhân sự cho công tác tổ chức vận tải.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra kế hoạch tổ chức vận chuyển, vận tải hành khách bằng xe ôtô.

Cụ thể, địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2 tổ chức hoạt động vận tải hành khách với tần suất bình thường.

Đối với địa bàn có dịch ở cấp 3, vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được sở công bố. Với địa bàn có dịch ở cấp 4, dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe khách theo tuyến cố định liên tỉnh.

Đọc thêm