Vì sao VFF “li dị” VTV để “kết hôn” cùng AVG?

VFF chỉ thu được 3 tỉ đồng từ bản quyền truyền hình V-League năm 2010, nay nhận được gấp đôi số đó từ AVG trong năm 2011. Tiếp đến, cứ mỗi năm sẽ cộng thêm 10% so với năm trước. Và nữa, nếu V-League 10 năm sau phát triển quá tốt thì VFF có quyền buộc AVG phải ngồi lại để thay đổi giá trị hợp đồng cho phù hợp.

Rất nhiều người thắc mắc rằng AVG là ai mà có thể khiến Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đủ dũng cảm “ly dị” Đài truyền hình quốc gia (VTV)?

Trong vài tháng gần đây, làng truyền thông VN xôn xao bàn tán về sự xuất hiện của AVG, một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông mới xuất hiện, chưa có sản phẩm nào “trình làng”, nhưng được dự báo sẽ là một gương mặt đáng gờm với bất cứ ai, cho dù đó là Đài truyền hình quốc gia!

"Khai sinh" với số vốn 1.800 tỷ

AVG là (viết tắt của Audio Visual Global) tên gọi tắt của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. Tháng 9-2010, AVG đã có một buổi tiệc ra mắt mang tính chất gặp gỡ thân mật. Tại đó, ông Phạm Nhật Vũ - chủ tịch hội đồng quản trị AVG - cho biết vốn pháp định của AVG là 1.400 tỉ đồng. Nhưng thông tin mới nhất do ông Vũ cho biết: vốn của AVG đã tăng lên 1.800 tỉ đồng, từ sáu cổ đông chính, trong đó có Tập đoàn An Viên.

Trong danh sách 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán VN (tổng kết năm 2009), mọi người không thấy tên ông Phạm Nhật Vũ. Tuy nhiên, trong giới kinh doanh ở VN có lẽ không ai không biết ông Vũ - em trai của ông Phạm Nhật Vượng (Công ty Vincom, người được xem là giàu nhất VN hiện nay, căn cứ vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán).

 

Tập đoàn An Viên của gia đình họ Phạm là cổ đông lớn nhất của AVG. Công ty AVG đã được cấp các giấy phép cần thiết cho việc truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên phạm vi toàn quốc, truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số vệ tinh. Như vậy, AVG là công ty tư nhân đầu tiên ở VN được phép truyền dẫn phát sóng truyền hình.

Hồi 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 10-10-2010, AVG đã thực hiện việc phát sóng thử nghiệm. Hiện nay, các kênh truyền hình AVG chưa thể đến được với người dân là vì AVG chưa cung cấp đầu giải mã kỹ thuật số (set top box) ra thị trường.

Băn khoăn cầm bút ký

Cách đây vài tháng, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có một cuộc họp do Thứ trưởng Nguyễn Danh Thái chủ trì, với sự tham gia của đại diện các liên đoàn thể thao ở VN. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã yêu cầu các liên đoàn nên hợp tác với AVG trong việc bán bản quyền truyền hình kéo dài 20 năm!

Đón nhận “chỉ đạo” này, đại diện các liên đoàn mang nhiều tâm trạng khác nhau. Người thì hớn hở vì “cả đời có bao giờ cầm được một đồng nào từ truyền hình, nay dù chỉ 100-200 triệu đồng/năm cũng quý”. Người thì băn khoăn: “Nhiệm kỳ chỉ có năm năm, làm sao tôi dám bán 20 năm?”. Người thì thắc mắc: “AVG đã có gì trong tay đâu, mua bản quyền rồi phát sóng ở chỗ nào? Không khéo mua xong rồi không có đầu ra làm ảnh hưởng đến các liên đoàn khi đi vận động tài trợ”...

Một vài câu hỏi đã được giải đáp sau khi VFF đi tiên phong trong việc ký hợp đồng, mà ngày 18-12 sẽ chính thức họp báo để công bố. Theo đó, sẽ không ngại trong tương lai nếu V-League phát triển quá mạnh thì VFF thiệt, bởi trong hợp đồng có điều khoản cho phép VFF được yêu cầu AVG phải ngồi lại thương thảo cho phù hợp với thực tế.

VFF chỉ thu được 3 tỉ đồng từ bản quyền truyền hình V-League năm 2010, nay nhận được gấp đôi số đó từ AVG trong năm 2011. Tiếp đến, cứ mỗi năm sẽ cộng thêm 10% so với năm trước. Và nữa, nếu V-League 10 năm sau phát triển quá tốt thì VFF có quyền buộc AVG phải ngồi lại để thay đổi giá trị hợp đồng cho phù hợp.

Nghe qua có vẻ AVG toàn nắm phần lưỡi dao? Thật ra chuyện mua bản quyền truyền hình V-League và tất cả các môn thể thao khác ở VN trong 20 năm chỉ là một thương vụ của AVG trong buổi sơ khai. Tổng chi phí để mua bản quyền V-League cùng tất cả các môn khác chỉ vào khoảng chục tỉ đồng/năm - quá nhỏ nhoi so với tiềm lực kinh tế của AVG.


Như vậy, vấn đề còn lại mà các liên đoàn quan tâm nhất là chuyện đầu ra của AVG. Theo thông tin chúng tôi có, AVG sẵn sàng chia sẻ bản quyền V-League 2011 cho các đài với cái giá không cần lãi (thậm chí lỗ cũng chả sao!). Nhưng liệu các nhà đài có tẩy chay AVG sau phi vụ gây sốc? Một người am hiểu cho biết: AVG đủ khả năng để điều đó không xảy ra.

Cột mốc 2015

Thế thì mục tiêu chính của AVG là gì? Tổng hợp các nguồn tin từ những người am hiểu, sẽ thấy chiến lược kinh doanh của AVG nằm vào năm 2015. Đó là thời điểm mà theo lộ trình của Chính phủ, sẽ chấm dứt việc phát sóng analog tại VN. Nghĩa là khi đó chỉ có xem  truyền hình qua cáp hoặc đầu thu kỹ thuật số!

Trên diễn đàn của những người yêu truyền hình kỹ thuật số, người ta đã đưa một bản tin thế này: “Ngày 27-5-2010, SES World Skies (công ty con của Tập đoàn đa quốc gia SES có trụ sở tại Mỹ và Hà Lan, vào loại hàng đầu thế giới trong việc cung cấp dịch vụ vệ tinh - NV) thông báo họ vừa ký một thỏa thuận nhiều năm với AVG - một công ty cổ phần của Tập đoàn An Viên - để cung cấp dung lượng TP (hệ thống thu nhận và phát tín hiệu trên vệ tinh, từ chuyên môn gọi là bộ phát đáp - NV) trên vệ tinh NSS-6 cho dịch vụ truyền hình vệ tinh DTH tại VN. AVG lên kế hoạch cung cấp hơn 80 kênh truyền hình tại VN”.

Nhiều chuyên gia truyền hình đã dự báo: với tiềm lực tài chính mạnh mẽ của mình, một khi AVG hoàn tất mạng lưới truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên toàn quốc (theo như giấy phép được cấp) thì khi đó những nhà đài của Nhà nước sẽ hết sức vất vả!

Sự chuẩn bị của AVG cho cột mốc 2015 không chỉ có chuyện mua bản quyền các môn thể thao ở VN, không chỉ âm thầm đầu tư cho cơ sở hạ tầng mà còn thu hút chất xám của các nhà đài lớn. Có lẽ không lâu nữa, chúng ta sẽ thấy được những nhân vật nổi tiếng trong làng truyền hình lần lượt về đầu quân cho AVG.

Huy Thọ - Thu Hà

Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty AVG:
“Sẽ có các thông tin cần thiết vào ngày 18-12”Bình luận về việc gần đây các báo nêu vấn đề AVG mua bản quyền các giải thể thao trong nước, ông Phạm Nhật Vũ cho biết: “Tôi không có bất kỳ trách cứ nào với các cá nhân, đơn vị khi họ bình luận việc AVG mua bản quyền, bởi đơn giản là họ chưa có những thông tin đầy đủ về chúng tôi hoặc họ chưa thật sự hiểu việc chúng tôi đang làm. Tôi đang tiến hành việc mời thật đông đủ các báo, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như lãnh đạo các liên đoàn, các bộ môn thể thao cùng dự buổi họp báo với chúng tôi vào ngày 18-12-2010, lúc đó chúng ta sẽ có thật đầy đủ các thông tin cần thiết. Tôi sẽ chia sẻ thật đầy đủ, trên tinh thần cởi mở và chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình trong buổi họp báo này”.

Vì sao VFF “li dị” VTV để “kết hôn” cùng AVG? ảnh 2
Ông Phạm Nhật Vũ

Khi được hỏi về thời điểm chính thức phát sóng và cung cấp dịch vụ, ông Vũ nói: “Số lượng người xem truyền hình trả tiền là một trong các nguồn thu của AVG bên cạnh các nguồn khác như quảng cáo, các dịch vụ tương tác... nên chúng tôi cần nhiều người xem chứ!

Nhưng chúng tôi tôn trọng người xem, thể hiện bằng những hành động cụ thể như: cung cấp đến người xem truyền hình chất lượng cao về âm thanh, hình ảnh rõ nét cũng như sản xuất, cung cấp cho người xem những chương trình được dàn dựng, biên tập, ghi hình... với cách làm bài bản, nghiêm túc.

Do vậy, chúng tôi chỉ đưa ra thị trường chính thức các gói dịch vụ cũng như sản phẩm của mình khi đã đạt được các điều kiện này”.

Nhắc đến nỗi lo của người xem truyền hình là khi cứ xuất hiện một nhà cung cấp dịch vụ mới, người dân sau một thoáng hồ hởi là lại bực mình vì “tất cả đều giống nhau”, ông Vũ cho biết: “AVG đang xây dựng các kênh chương trình về văn hóa, thể thao chất lượng cao. Người xem truyền hình AVG sẽ trả cho AVG một khoản phí để xem những chương trình truyền hình đặc sắc trong và ngoài nước. Đối với kênh thể thao, văn hóa, định hướng của AVG có thể sẽ đặt nằm trong một gói các chương trình cơ bản (tức là gói chương trình có tính phí thấp, thậm chí không tính phí). Một số nội dung đặc sắc trong văn hóa, thể thao, AVG sẽ sắp xếp trong các kênh chương trình riêng có thu phí nhưng chắc chắn sẽ không phải là giá trên trời, bởi chúng tôi không thể đi ngược với lợi ích chung của toàn xã hội”.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm