Vì sao vua Bhumibol Adulyadej được người dân Thái Lan tôn sùng?

(PLO) - Lên ngôi khi còn trẻ tuổi, có công lớn trong việc khôi phục danh tiếng hoàng gia cũng là vị vua luôn cố gắng nỗ lực cải thiện cuộc sống người dân Thái Lan... đó là lí do mà vì sao hình ảnh của vua Bhumibol Adulyadej được treo ở khắp mọi nơi và thậm chí nhiều người nguyện chết thay ông.
Với người dân Thái Lan, vua Bhumibol được tôn thờ như vị thánh sống vì những gì ông đã làm cho chúng dân. Ảnh Internet.
Với người dân Thái Lan, vua Bhumibol được tôn thờ như vị thánh sống vì những gì ông đã làm cho chúng dân. Ảnh Internet.

Trong tâm trí của người dân, vua Bhumibol Adulyadej là một người thân thiện, với cuốn sổ và chiếc bút trên tay, luôn biết lắng nghe. Với người dân Thái Lan, nhà vua là một biểu tượng của sự ổn định, một huyền thoại về nhân cách mà họ cảm thấy hết mức tin tưởng, một vị vua đáng kính trọng vì đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, nhà vua thường được người dân gọi ông bằng nhiều cái tên trìu mến: Vị chúa ngự phía trên chúng con, Vua của nhân dân…

Lòng yêu mến của người dân với ông được thể hiện ngay trong cuộc sống thường ngày của họ. Trong suốt thời gian làm vua, hình ảnh và việc làm của ông đã khắc sâu vào mỗi người dân Thái Lan.

Người dân Thái Lan rất tôn sùng vị vua của mình, họ coi ông là vị thánh sống. Ảnh: Getty Images
Người dân Thái Lan rất tôn sùng vị vua của mình, họ coi ông là vị thánh sống. Ảnh: Getty Images

Ông Bhumibol Adulyadej sinh năm 1927 ở Massachusetts, Mỹ, sau đó học tập tại Thụy Sĩ. Trong ảnh, ông và anh trai Ananda Mahidol (phải) tại trường học ở Thụy Sĩ năm 1935. Ông lên ngôi vào ngày 9/6/1946 lúc 18 tuổi, sau khi quốc vương Ananda Mahidol, tử vong ở tuổi 20 trong cung điện ở Bangkok.

Ông đã khiến Thái Lan có những bước chuyển mình rõ rệt, tất cả trở thành những câu chuyện để người dân Thái Lan nhắc nhớ mỗi khi nghĩ tới ông.

"Vị vua đa tài đi làm kênh rạch"

Là người học rộng, năng nổ có lòng nhân ái, Khi mới lên ngôi những năm 1950, nhà vua Bhumibol đã thường xuyên đến với những vùng hẻo lánh xa xôi để thị sát đời sống thực tế của người dân.

Từ những chuyến đi đó, ông đã lập ra nhiều dự án của hoàng gia giúp người dân nghèo khó vùng nông thôn cải thiện cuộc sống bằng hàng loạt dự án về phát triển nông nghiệp như: làm kênh rạch để lấy nước về cho người dân sử dụng...giờ đây công chúa Maha Chakri Sirindhorn con gái của ông tiếp tục làm những công việc này.

Vua Bhumibol đã sử dụng khối tài sản lớn của mình để chi phí cho không ít các đề án phát triển đất nước. Bởi thế mà người dân Thái Lan hết sức biết ơn, đến độ tôn thờ ông như thánh sống.

Đức vua đã biến cung điện Chitralada rộng lớn của mình thành tổ hợp trang trại, cánh đồng, nhà máy chế biến - nơi ông có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp, thủy lợi. Từ đây, hơn 2.000 đề án do chính nhà vua khởi xướng đã được triển khai trên toàn quốc, cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở nông thôn.

Nhà vua Thái Lan là một trong số ít người nhận được rất nhiều bằng sáng chế trong và ngoài nước, đặc biệt là về kỹ thuật, dù ông tốt nghiệp tú tài văn chương Pháp và sở trường là chơi nhạc jazz.

Quốc vương Thái Lan (ngoài cùng bên phải) chơi kèn saxophone. Ông còn thổi được kèn clarinet, có tài nhiếp ảnh, soạn nhạc, vẽ tranh, viết sách, nói thành thạo tiếng Anh và Pháp.
Quốc vương Thái Lan (ngoài cùng bên phải) chơi kèn saxophone. Ông còn thổi được kèn clarinet, có tài nhiếp ảnh, soạn nhạc, vẽ tranh, viết sách, nói thành thạo tiếng Anh và Pháp. 

Người có tiếng nói lớn với chính trị

Tại Thái Lan đầu những năm 1930, quyền lực của nhà vua hầu như chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng qua nhiều thăng trầm, Quốc vương Bhumibol ghi dấu ấn của vương quyền trong những thời khắc quan trọng của đất nước.

Từ năm 1932, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang thể chế quân chủ đại nghị. Quốc vương trên nguyên tắc chỉ giữ vai trò biểu tượng, không can thiệp vào chính trường cũng như công việc điều hành đất nước.

Thế nhưng trong hậu trường, Quốc vương Bhumibol lại là một chính trị gia tinh tường, đầy quyền uy, trở thành một cố vấn đắc lực cho nhiều đời thủ tướng mặc dù bên ngoài ngài vẫn trầm tĩnh và kín đáo.

Suốt gần bảy thập niên trị vì, Nhà vua Bhumibol đã chứng kiến 17 cuộc đảo chính và 27 đời thủ tướng. Từ trước tới giờ, mỗi khi Thái Lan lâm vào khủng hoảng, bế tắc chính trị, từ người dân thường cho đến các đảng phái chính trị đang tranh giành nhau đều lại hướng về hoàng cung trông chờ một tiếng nói của nhà vua như một chỉ dụ để trấn an người dân, làm dịu tình hình đất nước.

Năm 1981, nhà vua Bhumibol ngăn cản được một nhóm quan chức quân đội tổ chức cuộc đảo chính thủ tướng, cũng là một người bạn của ông, tướng Prem Tinsulanond. Phe đảo chính thất bại và lực lượng trung thành với hoàng gia.

Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Ảnh: Reuters
Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Ảnh: Reuters 

Thực quyền của Đức vua có hiệu lực rõ ràng trong những tình huống chia rẽ sâu sắc, với triết lý vì lợi ích của cả dân tộc, chứ không của riêng phe phái nào.

Vua Bhumibol Adulyadej cũng trở thành Nhà vua đương đại được người dân tôn sùng nhất thế giới, nhân dân coi là một vị thánh sống bởi những cống hiến không ngừng nghỉ của ông dành cho đất nước. Họ gọi ông bằng nhiều cái tên trìu mến nhưng không kém phần ngưỡng vọng: Vị chúa ngự phía trên chúng con, Vua của nhân dân…