Vị Thượng tá luôn trăn trở với công tác tuyên truyền pháp luật cho phạm nhân

(PLVN) -Thượng tá Phùng Văn Huế, Trưởng phòng Chuyên đề nghiên cứu, khoa học (Phòng 5), Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10), Bộ Công an luôn trăn trở các phương pháp để cảm hóa, giáo dục và cải tạo phạm nhân ngoài áp dụng các quy định của pháp luật. 
Thượng tá Phùng Văn Huế.

Mong muốn giảm áp lực cho các trại giam

Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an chuyên ngành Cảnh sát điều tra nhưng Thượng tá Phùng Văn Huế lại có duyên với nghề Cảnh sát trại giam. Năm 2004, anh nhận lệnh về công tác tại Trại giam Ninh Khánh, Cục V26 (Nay là Cục C10), Bộ Công an (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) với nhiệm vụ của một người trinh sát trại giam.

Ngày ấy, Hoa Lư còn là nơi heo hút, khó khăn của tỉnh Ninh Bình. Những năm về trước, đây là vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, giao thông và mặt bằng dân trí so với các khu vực khác trong tỉnh còn hạn chế. Phạm nhân chấp hành án ở trại giam lại là những đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, trong đó có nhiều tay anh chị giang hồ, nhiều lần vào tù ra tội. Vì thế, công việc của người cán bộ trại giam vô cùng vất vả và gian lao. Nhưng bằng sự nhiệt thành, đam mê và nhiệt huyết, ông luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để cảm hóa, giáo dục những mảnh đời lầm lỗi hoàn lương, giúp họ làm lại cuộc đời.

Năm 2010, thực hiện quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), ông đã được điều động về Phòng Tham mưu, Cục Tham mưu chính trị, Tổng cục VIII. Năm 2018, thực hiện theo mô hình tổ chức mới, ông chuyển về Phòng Chuyên đề nghiên cứu, khoa học, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10), Bộ Công an.

Hơn 20 năm gắn bó với công tác quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Thượng tá Phùng Văn Huế đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp về chủ trương, chính sách trong lĩnh vực công tác thi hành án hình sự (THAHS), thi hành quyết định đưa người vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng… nhất là trong nghiên cứu tham gia xây dựng Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và năm 2019, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020…

Trong đó, việc nghiên cứu tham mưu, xây dựng Luật THAHS sửa đổi, bổ sung năm 2019 là đạo luật nhiều trăn trở và dành nhiều tâm huyết nhất của ông. Thượng tá Phùng Văn Huế kể lại: “Trước khi Luật THAHS được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, chúng tôi đã có thời gian họp liên tục trong suốt 06 tháng 10 ngày, thậm chí có những hôm mải mê xây dựng, bàn luận về những vấn đề trong đạo Luật đến khi nhìn lên đã thấy kim đồng hồ chỉ hơn 1h sáng”.

Tuy nhiên, Thượng tá Phùng Văn Huế vẫn bày tỏ mong muốn sau này, nếu sửa đổi, bổ sung Luật THAHS năm 2019 sẽ quy định rõ hơn về việc tổ chức khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bởi từ kinh nghiệm thực tiễn công tác tại đơn vị cơ sở quản lý trại giam ở địa phương, ông nêu quan điểm: “Nhiều phạm nhân từ chỗ không có nghề nghiệp, thậm chí còn không biết chữ nhưng khi đến trại giam chấp hành án phạt tù phạm nhân đã được học chữ, học nghề, được lao động thực hành tại các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, khu lao động tập trung của trại giam đã hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân”.

Đây vừa là chủ trương, chính sách hình sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 vừa là quyền đồng thời là nghĩa vụ của phạm nhân, là cách nhanh nhất để giúp các phạm nhân sau khi chấp hành xong hình phạt tù trở về với gia đình, xã hội có điều kiện thuận lợi trong tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Ông chia sẻ: “Khi nghe đến việc đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động, hướng nghiệp, dạy nghề còn có ý kiến cho rằng như vậy là thả phạm nhân ra ngoài, có thể xảy ra nhiều tình huống bất trắc, không quản lý được dẫn đến vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự xã hội”. Tuy nhiên, để ra ngoài trại giam lao động số phạm nhân này được lựa chọn rất kỹ, có đơn xin đi lao động, xếp loại cải tạo khá, tốt, mức án ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu… và phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình lao động, hướng nghiệp, dạy nghề.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục tư tưởng, định hướng nghề nghiệp thì việc đưa những phạm nhân ra ngoài lao động sẽ là sự chuẩn bị rất thiết thực cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng sắp tới của phạm nhân. Mặt khác, nếu phát huy tốt sự kết hợp này, hàng chục ngàn lao động sẽ được trực tiếp tham gia vào quá trình lao động sản xuất và tạo ra của cải vật chất, góp phần đầu tư trở lại xây dựng các công trình phục vụ quản lý, giam giữ phạm nhân nhằm nâng cao điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, cơ sở vật chất và tinh thần cho chính các phạm nhân, đồng thời giảm áp lực cho các trại giam của Bộ Công an.

Đẩy mạnh công tác PBGDPL cho phạm nhân

Trách nhiệm trong công việc là yếu tố được Thượng tá Phùng Văn Huế đặt lên hàng đầu. Ông nhấn mạnh dù ở bất cứ công việc nào, cũng phải nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt công tác, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Ngành Công an giao phó. Ông luôn tâm niệm “Cái gì càng khó, càng khổ thì càng phải học hỏi và nỗ lực để hoàn thiện nó”.

Chính vì thế, khi được điều động về Phòng Chuyên đề, nghiên cứu khoa học, Cục C10, Bộ Công an với vai trò là Trưởng phòng. Thượng tá Phùng Văn Huế luôn động viên, khích lệ tinh thần làm việc của anh em, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Ông cho biết, Phòng 5 là đơn vị tham mưu nhiều lĩnh vực công tác, nhiều vấn đề khác nhau, như: Công tác pháp chế và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền PBGDPL, nhân quyền, bảo vệ bí mật nhà nước, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, công tác dân chủ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, thư viện, bảo tàng truyền thống và đối thoại hợp tác quốc tế; thường xuyên phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ Công an và các bộ, ngành khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Với quân số biến chế chính thức gần 10 người, khối lượng công việc lại đồ sộ như vậy nên một người đảm nhận nhiều đầu việc là chuyện bình thường. Ngay cả đến chính bản thân ông nhiều khi hết giờ làm việc, ông lại sắp xếp chồng tài liệu mang về nhà để làm việc tiếp. Nhiều công việc phải giải quyết như vậy nhưng Thượng tá Phùng Văn Huế luôn mong muốn nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, xuất bản các đầu sách do ông chủ biên, đồng chủ biên để truyền tải tới đồng chí, đồng đội và cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng nói riêng những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn đồng thời hoàn thiện hệ thống lý luận về công tác thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Hiện tại, ông đã có rất nhiều đầu sách chuyên khảo được xuất bản phục vụ chính công tác của lực lượng và làm tài liệu nghiên cứu tham khảo tại Công an các đơn vị, địa phương, một số trường Công an nhân dân như: Mô hình quản lý, giáo dục cải tạo người chấp hành án tại cộng đồng của một số quốc gia trên thế giới; hệ thống hóa các văn bản pháp luật về THAHS; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; công tác của lực lượng Cảnh sát trại giam 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành… Đây đều là những nội dung do ông tự nghiên cứu, tìm tòi, đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn và quá trình công tác của mình… Đồng thời cũng góp phần làm tốt tuyên truyền, PBGDPL cho phạm nhân tại các trại giam của Bộ Công an.

Thượng tá Phùng Văn Huế nói: “Trước đây tôi từng có thời gian công tác tại đơn vị cơ sở, trực tiếp quản lý phạm nhân tại trại giam ở địa phương cũng tham gia giảng dạy, tuyên truyền, PBGDPL cho các phạm nhân ở đây, qua đó đã trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật để các phạm nhân có điều kiện tiếp cận, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Sau này, tôi còn nhận được thư cảm ơn của những phạm nhân như phạm nhân Trần Văn Chung quê Nam Định, phạm nhân Phùng Anh Vũ quê Hà Nội…

Đặc biệt, có những kỷ niệm khi tôi ra đường có những anh đứng lại và chào “thầy” hoặc chào “cán bộ” làm chính bản thân tôi giật mình. Đứng lại nói chuyện mới biết đó là những anh phạm nhân ngày trước do tôi trực tiếp quản lý, giáo dục nay đã chấp hành xong án phạt tù trở về với cộng đồng, là công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Chính điều đó làm tôi càng được thôi thúc phải làm gì đó để tiếp tục tuyên truyền pháp luật đến những phạm nhân khác để họ có đủ kiến thức không tái vi phạm pháp luật sau khi chấp hành xong án phạt tù”.

Bên cạnh đó, ông cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Công an xây dựng phim ngắn “Hoa về nẻo thiện” để tuyên truyền, PBGDPL; phối hợp thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục phổ biến pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021” của Chính phủ.

Một tham vọng khác, cũng được Thượng tá Phùng Văn Huế ấp ủ, đó chính là tổng hợp các đề tài khoa học từ trước đến nay, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng để biên soạn, xuất bản thành các đầu sách với mục đích làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sau này. Ông nêu quan điểm, đấy đều là những kinh nghiệm xương máu, những giải pháp căn cơ, hiệu quả cho anh em cán bộ, chiến sĩ vận dụng trong công tác của mình. Nếu không có người tìm đến xuất bản thành sách, những kinh nghiệm, giải pháp đó sẽ chỉ nằm yên lưu trữ trong thư viện mà thôi. “Trách nhiệm của tôi là phải tìm tòi và tổng hợp chúng lại” - Thượng tá Phùng Văn Huế chia sẻ.

Được biết, trải qua hơn 20 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân Thượng tá Phùng Văn Huế đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Tổng cục Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; 03 lần đạt Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân” và nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”…

Đọc thêm