Vị Tiến sĩ có quan điểm 'ngược dòng' về nhiệt điện

(PLO) - “Có nhiều người hiểu chưa rõ về nhiệt điện than, mượn lời ở các nước nói chưa đúng về nhiệt điện than khiến nhiều địa phương lo ngại phát triển nhiệt điện than. Hay nói cách khác chúng ta hiểu chưa rõ về nhiệt điện”, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kĩ thuật Nhiệt Việt Nam, Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia về nối hơi và bình áp lực; Về khí đốt và bình chứa khí, trình bày quan điểm.
Một nhà máy nhiệt điện tại châu Âu
Một nhà máy nhiệt điện tại châu Âu

"Ví dụ như xỉ và tro bay không phải chất thải mà là nguyên liệu cho ngành vật liệu xây dựng Gạch không nung có kích thước chuẩn nên khi xây tạo bề mặt phẳng, tốn ít chất kết dính, giá thành ước tính chưa tới 400 đồng/viên trong khi một viên gạch nung có giá trên 1 ngàn đồng". 

Cân nhắc lợi – hại

Nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực, ông có quan điểm gì về nhiệt điện trong bối cảnh hiện nay?

Việt Nam có thể phát triển nhiều loại hình nhà máy điện như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện (than, dầu, khí) và điện hạt nhân. Điện hạt nhân về cơ bản giống nhiệt điện, chỉ khác ở chỗ thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu hạt nhân. Và nhiên liệu được đốt trong lò đặc biệt.

Các nguồn thủy năng chủ yếu tập trung ở miền Bắc, trong đó lớn nhất là sông Đà. Trên con sông này chúng ta đã hình thành 3 bậc thang thủy điện gồm nhà máy Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và xem như đã khai thác hết. Các nguồn thủy năng khác không đáng kể.

Tương tự ở miền Trung có ít nguồn thủy năng, các sông ngòi ở đây có độ dốc lớn, không thể đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn (tốn rất nhiều đất). Ở miền Nam cũng vậy, ngoài hai nhà máy thủy điện Yaly, Trị An, không có nguồn thủy năng lớn nào nữa. 

Còn trên dòng Mê Kông, các nước thượng nguồn cũng đã khai thác thủy điện dày đặc. Như vậy nguồn thủy năng gần như đã được khai thác triệt để, không thể phát triển nữa. Bên cạnh đó chúng ta chưa có điều kiện đầu tư phát triển điện khí, điện gió, điện năng lượng mặt trời. Trong khi tổng sản lượng điện ngày càng tăng đòi hỏi cần nguồn bổ sung. 

Theo tôi nguồn bổ sung tốt nhất là nhiệt điện than xét trên tổng thể các yếu tố như: Chi phí đầu tư không cao, nguồn than cung cấp đảm bảo giá thành (nhiệt điện than có giá thấp nhất sau thủy điện).

Vì sao không chọn các loại hình điện năng khác như khí, gió, ánh nắng?

Việt Nam là nước ven biển nhưng không phải là quốc gia có nhiều nắng, gió. Về hiệu quả, một cột phát điện bằng năng lượng gió, ánh nắng ở ngoài khơi có công suất 1,5MW, trong khi một tổ máy nhiệt điện đã có công suất 600MW, gấp tới 400 lần.

Nó cho thấy các nguồn điện khác quá nhỏ bé so với nhiệt điện than, nhất là trong khi chúng ta cần năng lượng phát triển. Ở các nước trên thế giới vẫn phát triển nhiệt điện than, chẳng hạn ở Mỹ nguồn điện năng này chiếm tới 41% sản lượng.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nhiệt điện than sử dụng rất nhiều nhiên liệu than, tạo ra nhiều xỉ và khói, lo ngại ô nhiễm môi trường?

Nói nhiệt điện than sử dụng khối lượng than lớn, tạo ra chất thải lớn là đúng vì tiêu thụ hàng triệu tấn than, thải ra hàng triệu tấn tro xỉ, khói. 

Công nghệ của nhà máy nhiệt điện gồm công nghệ sản xuất điện và công nghệ xử lý môi trường. Về công nghệ sản xuất điện thì chúng ta đều nhập khẩu đảm bảo tiêu chuẩn thế giới. Chưa kể khi chào thầu luôn có các chỉ tiêu về khoa học kĩ thuật khắt khe. Ví dụ như Nhật Bản cam kết cho chúng ta vay vốn ODA phát triển nhiệt điện than với điều kiện phải sử dụng công nghệ siêu tới hạn.

Về công nghệ xử lý môi trường: Nhà máy nhiệt điện than tạo ra chất thải lớn gồm xỉ ở đáy và bụi bay ra theo khói (tro bay). Với khối lượng xỉ, tro bay rất lớn khi nhà máy hoạt động nên nếu chúng ta không xử lý, người dân xung quanh, vùng phụ cận sẽ cảm nhận được ngay. Vấn đề khói bụi này, hiện đã có công nghệ lọc bụi tĩnh điện, khử khí So2, cộng với việc cải tiến ống khói xây cao làm cho bán kính lan tỏa rộng nên nồng độ khói, các khí trong không khí không đáng kể.  

Nếu nói nhà máy điện gây tác hại đến môi trường cần phân tích, đánh giá xem các chất tác động như thế nào. Bản thân tôi đã có kiến nghị các cơ quan chuyên môn đánh giá tác động của nhà máy nhiệt điện tới môi trường nhưng chưa thấy cá nhân, đơn vị nào công bố.

Ở các nước tiên tiến người ta xử lý chất thải của nhà máy nhiệt điện thế nào, thưa ông?

Nhà máy nhiệt điện thải ra xỉ than ở đáy lò và tro bay theo khói. Cả hai đều được dùng làm chất phụ gia sản xuất xi măng. Xỉ than chúng ta đã khai thác tận dụng được, tro bay ở nhà máy Phả Lại đã thu gom được. Còn tận dụng xỉ, tro bay ở mức nào tùy vào công nghệ chúng ta đang ứng dụng. Nếu lựa chọn công nghệ chưa đúng phải thay đổi. 

Ví dụ ở Trung Quốc, người ta dùng tro đó sản xuất gạch không nung vừa bền lại có giá thành rẻ hoặc dùng làm bê tông đầm lăn ứng dụng xây dựng các đập lớn.  

Vậy nỗi lo ngại làm tăng hiệu ứng nhà kính, ông đánh giá thế nào?

Như tôi đã chia sẻ tại nhiều hội thảo, Mỹ, Trung Quốc “đóng góp” tới 50% khí hiệu ứng nhà kính nhưng họ chưa chịu giảm. Tôi có nhận được báo cáo của Mỹ, Châu Âu kêu gọi hạn chế nhiệt điện than. Hạn chế là đúng vì các nước này phát triển quá nhiều nhiệt điện than, trong khi Việt Nam mình điều kiện khác.

Về khía cạnh khoa học, tôi cho rằng trong các yếu tố gây hiệu ứng nhà kính, ngoài khí CO2 còn nhiều chất khác. CO2 không tồn tại lâu, khi gặp nước nhanh chống hòa tan, quá trình tích lũy không kéo dài. 

PGS.TS Trương Duy Nghĩa
PGS.TS Trương Duy Nghĩa  

Có nên phát triển nhiệt điện?

Nguồn than của Việt Nam có thể đảm bảo cho phát triển nhiệt điện ở mức nào, thưa ông?

Việt Nam không phải nước nhiều than, trữ lượng có thể khai thác đã được phân tích khoảng 2,2 tỷ tấn; giới hạn tối đa khai thác trên dưới 65 triệu tấn/năm. Với trữ lượng trên, chúng ta chỉ có thể đảm bảo khai thác trong 30 năm. Hơn nữa sản lượng than khai thác được dành một nửa cho các ngành công nghiệp khác, nên bắt buộc tính tới chuyện nhập khẩu than phục vụ nhiệt điện.

Nhiều ý kiến nói rằng việc nhập khẩu  than có thể tác động tới an ninh năng lượng Quốc gia? 

Nhận xét trên có thể đúng với một số loại nguyên liệu khoáng chất, còn với than không hẳn đúng. Lý do bởi than ở những nước khai thác như Indonesia rất lớn, phần lớn để xuất khẩu. Than không phải khoáng chất quý hiếm, khai thác ra không thể dự trữ lâu vì vấn đề kho bãi, nên sau khai thác xong cần phải bán.

Mặt khác trên thế giới không nhiều nước nhập khẩu than, lượng than giao dịch trên thị trường thế giới mỗi năm chưa tới 1 tỷ tấn. Hơn nữa, nếu giá than tăng thì giá bán điện cũng tăng theo. Nếu lựa chọn các nguồn nhiên liệu khác (khí, dầu), cũng chịu ảnh hưởng của quy luật này.

Than ở Việt Nam bị đánh giá có độ cháy không cao, theo ông có thể khắc phục bằng giải pháp nào?

Than nhập khẩu như của Indonesia có độ cháy rất cao, rất dễ cháy, lên tới 50%. Trong khi “chất bốc” của than nội địa chỉ khoảng 6%. Do đó giải pháp trộn than rất hiệu quả. Chúng tôi đã thử trộn và thấy than cháy rất nhạy. Điều này làm các chất khí tồn dư trong xỉ không đáng kể, giảm được dầu mồi, xỉ và tro bay, sau khi thải ra có thể chuyển ngay tới các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng tái tạo.

Theo ông, chúng ta nên có chiến lược về nguồn nhiên liệu thế nào? 

Chúng ta cần có chiến lược về thu gom than, vận chuyển, dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung. 

Về lâu dài theo tôi chiến lược này cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành. Ví dụ như khai thông luồng lạch, bến bãi trộn than, tàu vận chuyển, cảng nước sâu, trạm trung chuyển, cần sự phối hợp của ngành giao thông. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới chuyện đầu tư mỏ ở các nước xuất khẩu than.  

Như những gì ông nói, có vẻ ông không phản đối nhiệt điện?

Nhiệt điện than thực sự phát triển mạnh ở nước ta từ năm 2010, trước đó nhiệt điện chiếm chưa tới 20% sản lượng điện. Người ta dự báo tới năm 2020 tỷ lệ trên tăng lên 35% và tới năm 2030 đạt 50%. Có nhiều người hiểu chưa rõ về nhiệt điện than, mượn lời ở các nước nói chưa đúng về nhiệt điện than khiến nhiều địa phương lo ngại phát triển nhiệt điện than.

Hay nói cách khác chúng ta hiểu chưa rõ về nhiệt điện. Ví dụ như xỉ và tro bay không phải chất thải mà là nguyên liệu cho ngành vật liệu xây dựng. Gạch không nung có kích thước chuẩn nên khi xây tạo bề mặt phẳng, tốn ít chất kết dính, giá thành ước tính chưa tới 400 đồng/viên trong khi một viên gạch nung có giá trên 1 ngàn đồng

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Trả lời câu hỏi Việt Nam vừa tạm dừng dự án điện hạt nhân, theo PGS có nên dừng hẳn hay chỉ tạm thời?, ông Nghĩa cho rằng: “Điện hạt nhân vừa qua xảy ra hai sự cố lớn ở Ukraina và Nhật Bản làm người ta nghĩ tới nếu nó xảy ra sự cố thì thiệt hại quá khủng khiếp. Mặt khác chi phí đầu tư rất lớn để đảm bảo độ an toàn gần như tuyệt đối. Trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn như hiện nay rõ ràng chúng ta chưa thể đầu tư được. Theo tôi tới khi nào chúng ta thấy cần thiết, đủ tiềm lực có thể khởi động lại. Và trong thời gian này chỉ có nhiệt điện mới đảm bảo thay thế”.

Đọc thêm