Việc cần làm để phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh những thành tựu đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao, thì sự nghiệp phát triển thể thao cũng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Theo Kết luận số 70, tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Báo DT ).
Theo Kết luận số 70, tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Báo DT ).

Từ câu chuyện về thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở...

Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa thể thao của nhân dân trên địa bàn dân cư; đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường và hướng dẫn thực hành văn hóa thể thao góp phần nâng cao dân trí, nâng cao thể chất con người, ươm mầm cho những sáng tạo có chất lượng cao về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; định hướng thẩm mỹ và ngăn chặn việc truyền bá văn hóa phản động, đồi trụy, các tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư. Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng là nơi giao lưu - tiếp biến và quảng bá những giá trị văn hóa giữa các địa phương, vùng miền của đất nước, của nhân loại, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của đất nước, trong đó có sự nghiệp xây dựng và phát triển mạng lưới các thiết chế văn hóa, thể thao từ trung ương tới cơ sở, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2164/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Đây được coi là cơ sở pháp lý và định hướng rất quan trọng để các bộ ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ VHTTDL triển khai xây dựng và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn cả nước nhiều năm qua.

Đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc quy hoạch xong quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã được xây dựng hoặc sửa chữa nâng cấp to, đẹp khang trang và chuyển đổi phương thức hoạt động có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cũng như các cơ quan chức năng liên quan trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính, tổ chức bộ máy chính quyền, quản lý đất đai … chưa thật sự coi phát triển văn hóa nói chung và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững đất nước.

Điều này thể hiện qua việc quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở Chính phủ đã có quy hoạch, Bộ VHTTDL đã có tiêu chí hướng dẫn, nhưng hầu hết các địa phương, nhất là ở các đô thị, khu vực miền núi việc dành ra quỹ đất đúng tiêu chuẩn là vô cùng khó khăn, đó là chưa kể ở không ít địa phương nhiều công trình văn hóa, thể thao bị hoán đổi hoặc “nhường lại” cho các công trình kinh doanh, kinh tế. Đặc biệt, kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa hoặc nâng cấp, mua sắm trang thiết bị của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hệ thống; nguồn nhân lực cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy vận hành của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở cấp xã, thôn nhìn chung còn ở mức thấp, nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa vừa thiếu vừa yếu, cùng với đó là chế độ lương, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực này còn ở mức rất thấp khiến cho việc duy trì và chất lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở rất nan giải...

Đầu năm 2024, trao đổi với truyền thông, TS. Trần Minh Chính nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL đã nêu quan điểm ở góc độ pháp luật, các bộ ngành liên quan cần đề nghị với Chính phủ rà soát lại cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật để nếu có thể, sửa đổi và bổ sung các quy định mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng các công trình xây dựng và đồng bộ hóa giữa công tác xây dựng và mua sắm trang thiết bị, bảo đảm công năng khai thác của thiết chế được xây dựng, phòng chống tiêu cực, lãng phí trong quá trình đầu tư.

TS. Trần Minh Chính kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động xã hội hóa văn hóa trong đầu tư xây dựng các trung tâm, các tụ điểm văn hóa, sớm hình thành và phát triển một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở mới do dân lập bên cạnh các các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở quốc lập vốn có làm phong phú, đa dạng hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên các địa bàn dân cư trong cả nước, đem lại diện mạo tươi trẻ và sức sống bền vững cho nền văn hóa Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong giai đoạn mới

Ngày 31/01/2024, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể thao trong tình hình mới. Kết luận 70 nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020, thì một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thể dục, thể thao; nguồn lực đầu tư còn thấp. Thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao phát triển chưa vững chắc; chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên có mặt còn hạn chế; công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học và công tác huấn luyện chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn...

Thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân đối với phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ số, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng, xây dựng các kênh truyền thông về thể dục, thể thao nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất. Chú trọng cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng; thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học; khung khổ pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hoá.

Bộ Chính trị yêu cầu bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo vận động viên, thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao trình độ quốc gia, quốc tế, nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm...

Để thực hiện được những yêu cầu này thì vấn đề tiên quyết cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sớm ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.

Nhìn nhận về Kết luận số 70, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I, Uỷ ban Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao) trả lời truyền thông đã cho biết ông đặt kỳ vọng Kết luận 70 sẽ tiếp tục tạo đà cho thể thao Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.

“Thực tế cho thấy muốn phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chứ riêng ngành Thể thao thì không thể làm được. Điểm đáng mừng là trong Kết luận 70, Bộ Chính trị yêu cầu trong thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân đối với phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

Cùng với đó là việc lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về thể dục, thể thao trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao. Nếu thực hiện được tốt những điều này thì chắc chắn việc phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao sẽ có bước khởi sắc mới”, ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.

Đọc thêm