Bức xúc trước sự “thiếu trách nhiệm” của anh Quang, chị Nguyễn Thị Hà, là chị dâu Lâm, đã gọi 6 thanh niên đến nhà anh Quang yêu cầu anh Quang phải “có trách nhiệm” với đứa con sắp chào đời của chị Lâm. Một trong các thanh niên đi cùng chị Hà là Nguyễn Tiến Đức đã đá vào mặt anh Quang, còn Nguyễn Văn Tình thì cầm dao đe dọa Quang. Do Quang trình bày không có tiền, Tình bắt anh Quang viết giấy bán xe máy. Thấy 2 chiếc điện thoại của vợ chồng Quang để trên bàn, Tình vứt xuống chiếu, chị Lâm cũng cầm luôn.
Chị Hà vẫn chưa hết bàng hoàng về việc đỡ đẻ có một không hai. |
Ngày 11/2/2011, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh đã khởi tố vụ án “Cướp tài sản” và ra lệnh bắt khẩn cấp về hành vi cướp tài sản đối với 5 đối tượng Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Đức và Nguyễn Thị Hà (đang có bầu 26 tuần tuổi).
Theo thông tin mà Công an huyện Đông Anh cung cấp cho báo chí thì ngày 14/2/2011, chị Lâm đã đến Công an huyện để “đầu thú” và bị “tạm giữ hình sự” để điều tra. Đáng chú ý là thời điểm này chị Lâm đang mang bầu sắp đến ngày sinh.
Trong thời gian bị tạm giữ, chị Lâm trở dạ. Theo thông tin chị Hà cung cấp thì hai chị em đã gặp tình huống cực kỳ nguy hiểm khi chị Lâm trở dạ trong nhà tạm giữ, không có người giúp đỡ và không có phương tiện hộ sinh. Tình thế đó khiến cho hai chị em đều bụng mang dạ chửa không biết phải xoay xở thế nào.
Cũng theo chị Hà, sau khi cầu cứu nhưng không ai đến giúp, chị đã phải làm bà đỡ bất đắc dĩ. Trong nhà tạm giữ lạnh cóng của những ngày đầu xuân, chị Hà phải dùng áo quần của mình để ủ ấm cho cháu. Cuối cùng, những người có trách nhiệm tạm giữ cũng có mặt và đưa mẹ con chị Lâm vào viện.
Tình huống nguy hiểm đến tính mạng của người bị tạm giữ rõ ràng là có trách nhiệm của người thi hành công vụ. Pháp luật không cấm tạm giữ người mang bầu nhưng liệu CQĐT có được phép làm điều này?. Việc đẻ rơi trong nhà tạm giữ có phải là hậu quả “nghiêm trọng” của việc làm đúng pháp luật nhưng không được ủng hộ về đạo đức hay không?.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Ngô Trung Kiên - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Giang về vấn đề này: Thưa Luật sư, pháp luật có cấm tạm giữ hình sự đối với người mang bầu đến tháng đẻ hay không? - Biện pháp ngăn chặn tạm giữ được áp dụng để chuẩn bị các thủ tục khởi tố bị can nếu xét thấy cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc khi người có hành vi vi phạm pháp luật ra đầu thú, cơ quan chức năng có thẩm quyền xét thấy cần xác minh các căn cứ để xem xét hành vi của họ có dấu hiệu phạm tội hay không, có cơ sở để khởi tố họ về một tội nào đó hay không... thì áp dụng biện pháp tạm giữ. Đối với biện pháp tạm giữ, pháp luật không hạn chế đối tượng bị tạm giữ. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định, trong trường hợp xét thấy không cần thiết phải tạm giữ thì không áp dụng biện pháp tạm giữ. Đối với phụ nữ đang mang thai chuẩn bị đến ngày sinh thì có được tạm giữ không, thưa ông? - Theo tôi, cần phải xem xét người mang thai đến ngày sinh giống như một “người có bệnh” vì họ là những sản phụ cần phải được chăm sóc y tế một cách đặc biệt. Vì thế, không được tạm giữ đối với họ và việc tạm giữ là hoàn toàn không cần thiết. Bộ luật Tố tụng Hình sự không có quy định cấm tạm giữ đối với phụ nữ có thai nhưng có cấm tạm giam đối với đối tượng này. Sự khác biệt giữa hai biện pháp ngăn chặn này chủ yếu là thời gian dài hay ngắn, nhưng đều giống nhau về sự hạn chế đi lại và chăm sóc cuộc sống, chăm sóc y tế. Do vậy, theo nguyên tắc bảo đảm sức khỏe cho người bị tạm giữ, những trường hợp phụ nữ mang thai thì tuyệt đối không được giam, giữ mà phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Đây là vấn đề của đạo đức, trách nhiệm chứ không thuần túy là vấn đề pháp luật, và pháp luật cũng không khuyến khích. Việc người bị tạm giữ đã “đẻ rơi” trong nhà tạm giữ có phải là “hậu quả nghiêm trọng” của việc làm không được ủng hộ về đạo đức và pháp luật không khuyến khích, thưa ông? - Rất may là hai mẹ con chị Lâm không gặp tai biến nào về sức khỏe. Nhưng để sản phụ đẻ rơi trong nhà tạm giữ là điều khó chấp nhận đối với những người thực thi công vụ. Nếu tạm giữ họ, ít nhất cũng phải có chăm sóc y tế thường trực để đề phòng tình huống khẩn cấp. Nếu có người thường xuyên quan tâm đến người bị tạm giữ đặc biệt này thì chị Lâm đã được đưa vào viện kịp thời mà không phải “vượt cạn” trong nhà tạm giữ. Rõ ràng, tôi thấy đây là hậu quả của sự thiếu trách nhiệm của người thi hành công vụ và cần phải xử lý nghiêm khắc đối với việc thiếu trách nhiệm này. Xin cảm ơn ông! |
Xuân Bính