Kỷ luật còn nặng về hành chính
Năm 2019, nhiều người tỏ ra bức xúc trước vụ việc Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đăng tải trên mạng xã hội toàn bộ video một học sinh lớp 8 của trường tên Q. đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS.
Việc này diễn ra sau khi học sinh trên đã lập một fanpage có tên “Anti BTS in VietNam” và đăng một loạt thông tin với những lời lẽ, hình ảnh được cho là thô tục, xúc phạm, lăng mạ nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, cộng đồng fan của nhóm nhạc này.
Trước áp lực đến từ các những người hâm mộ của nhóm nhạc BTS, Ban giám hiệu Trường THCS Ngô Quyền đã mời học sinh Q. lên làm việc và thông báo hình thức kỷ luật là bị cảnh cáo toàn trường, đình chỉ học tập 4 buổi và hạ hạnh kiểm xuống loại trung bình.
Học sinh này cũng đã phải đọc bản kiểm điểm trước các học sinh và giáo viên toàn trường. Lãnh đạo trường đã ghi hình và toàn bộ clip xin lỗi này sau đó đã được đăng tải trên fanpage của nhà trường.
Nhiều người tỏ ra không đồng tình với hình thức xử phạt của Trường THCS Ngô Quyền, cho rằng việc quay clip nam sinh xin lỗi và đăng lên facebook là không phù hợp, thậm chí có thể coi là một dạng “bạo hành” tinh thần khi hình ảnh của học sinh bị bêu xấu trước cộng đồng mạng, thiếu nhân văn.
Thêm vào đó, việc để lộ danh tính, gương mặt em cũng có thể dẫn tới nguy hiểm nếu người xem video là những đối tượng quá khích.
Sự việc cô giáo một trường THCS tại Hà Nội bị đình chỉ dạy 1 tuần để xem xét kỷ luật vì bắt học sinh lớp 9 quỳ gối trước lớp xảy ra vào cùng năm cũng đưa đến những bình luận trái chiều xung quanh hình thức phạt học sinh.
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) – cho biết, hiện nay, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay đang được thực hiện theo Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và một phần theo Thông tư số 08/TT ngày 21/03/1988 của Bộ GD quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông.
Tuy nhiên, một số quy định về kỷ luật học sinh tại Điều lệ nhà trường và Thông tư số 08/TT chưa được đồng bộ, thống nhất. Một số quy định tại Thông tư số 08/TT không còn phù hợp thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay, nhất là so quy định tại một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành gần đây và Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em Quốc hội ban hành năm 2016.
Đặc biệt, quy định về xử lý kỷ luật học sinh hiện nay mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện tốt nhất được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, mục đích làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa còn hạn chế.
Theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà trường, đây là điểm hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Từ thực tiễn nêu trên, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo các quy định mới về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để thay thế cho các nội dung quy định hiện nay về khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông, mà đang được quy định tại Điều lệ nhà trường các cấp học và văn bản liên quan khác.
Hướng tới xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện đúng tinh thần qui định tại Luật Giáo dục 2019
Ông Bùi Văn Linh cho biết, mục đích của việc khen thưởng là hướng tới là tạo động lực để học sinh rèn luyện, tu dưỡng bản thân, phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.
Việc khen thưởng phải đáp ứng yêu cầu dân chủ, công khai, công bằng, khách quan, kịp thời; đảm bảo thực chất, đúng người, đúng việc, tránh hình thức; không khen thưởng nhiều lần cho một thành tích; kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với vật chất; chú trọng việc tuyên dương, tôn vinh, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt; khích lệ, tuyên dương, khen thưởng sự tiến bộ của học sinh so với bản thân và những thành tích nổi bật của học sinh theo từng nội dung giáo dục.
Đối với việc kỉ luật, mục đích hướng tới là nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, pháp luật của Nhà nước; giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Cùng với đó, tăng cường tính chủ động, tích cực trong thực hiện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của học sinh; góp phần xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và giữ vững kỷ cương, nền nếp trong nhà trường.
Việc kỷ luật học sinh phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, đảm bảo quyền được tham gia của học sinh đối với các vấn đề liên quan; đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm lí, giới tính, thể chất của từng học sinh; giúp học sinh nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ; không sử dụng các hình thức phê bình, kỉ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Các hình thức kỉ luật học sinh phải kèm theo kế hoạch giáo dục giúp đỡ học sinh tiến bộ và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình áp dụng các hình thức kỉ luật học sinh.
Để đảm bảo biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực, Bộ GD&ĐT dự kiến yêu cầu các giáo viên liên quan cần thu thập các thông tin khách quan để xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm; để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm.
Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp với từng học sinh.
Theo ý kiến đề xuất của nhiều chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường thời gian qua và phụ huynh học sinh, có thể áp dụng các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực như: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý;
Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện, theo nội quy của nhà trường như hoàn thành bổ sung nhiệm vụ học tập và rèn luyện có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh; viết cảm nhận về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa…, trước khi nhà trường tiến hành xử lý kỷ luật học sinh hoặc áp dụng đồng thời cùng với thời gian mà học sinh đang chịu hình thức kỷ luật….
Bên cạnh đó, giáo viên và nhà trường cũng có thể lựa chọn áp dụng các biện pháp giáo dục khác, nhưng yêu cầu phải phù hợp với mục đích, nguyên tắc kỉ luật học sinh.
Việc khen thưởng và kỷ luật học sinh là một nội dung rất quan trọng trong hoạt động giáo dục tại các trường phổ thông hiện nay; làm tốt công tác này không những sẽ góp phần tạo ra môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, nền nếp, kỷ cương và đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện, vì sự tiến bộ, hoàn thiện nhân cách và phát triển năng lực, phẩm chất tốt nhất cho học sinh; mà còn từng bước xây dựng trường học hạnh phúc…