Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ mùa nồm ẩm, điều trị như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Thời điểm đầu xuân, mưa phùn, nồm ẩm là điều kiện lý tưởng cho các loại virus phát triển và gây bệnh, đặc biệt là viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ.

1. Vì sao trẻ dễ mắc viêm tiểu phế quản cấp khi trời nồm ẩm?

Trong những ngày nồm ẩm, độ ẩm không khí lớn... các vật dụng, đồ dùng trong nhà dễ bị ẩm, nấm mốc, các loại virus có thời gian sống lâu hơn, tạo điều kiện lây nhiễm và phát triển.

Mặt khác, trời nồm ẩm, nhiệt độ thay đổi liên tục trong ngày: Buổi sáng thường lạnh mặc nhiều quần áo, trưa nhiệt độ lại tăng cao hơn, nếu không chú ý thay đổi trang phục phù hợp, trẻ mải chơi mồ hôi nhiều, mồ hôi bốc hơi khiến trẻ nhiễm lạnh dễ gây bệnh hô hấp.

Viêm tiểu phế quản gấp thường gặp ở trẻ < 2 tuổi, đặc biệt 3 đến 6 tháng tuổi. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do các virus RSV, Rhinovirus, á cúm và cúm. Bệnh thường gặp từ khoảng tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, cao điểm nhất là vào tháng 1-2, lúc giao mùa, khi trời nồm ẩm.

Viêm tiểu phế quản cấp thường gặp ở trẻ nhỏ lúc giao mùa.

2. Triệu chứng của viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ?

Có thể phát hiện sớm được bệnh này dựa vào một số đặc điểm như:

- Diễn tiến bệnh: Bệnh do virus, khởi đầu như cảm lạnh thông thường, sau 1-3 ngày tự nhiên trẻ ăn kém hơn, ho tăng lên, có thở nhanh, nghe tiếng thở khò khè.

- Đặc điểm ho: Ho nhiều rất nặng tiếng (trẻ càng nhỏ có khi chưa có phản xạ ho nên ho rất ít), có khi ho xong nôn vọt hết sữa và thức ăn, nhất là về tối.

- Thấy trẻ thở nhanh: Thở từ 60 lần/ phút trở lên với trẻ nhỏ hơn 2 tháng, từ 50 nhịp/phút với trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi và từ 40 nhịp với trẻ từ 1-5 tuổi.

- Nhận biết khò khè: Là tiếng thở ồn ào, do phế quản bị sưng hoặc tắc nghẽn do đờm nghe như tiếng kéo bễ lò rèn, tiếng con mèo ngủ khi ta sờ lưng nó. Nếu rõ hơn mẹ sờ lưng đã thấy tiếng rung như sờ lưng mèo.

Trường hợp nặng, trẻ có thể có biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa cấp, thậm chí tràn khí màng phổi, xẹp phổi và suy hô hấp.

Cần phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời tránh biến chứng cho trẻ.

3. Điều trị viêm tiểu phế quản cấp như thế nào?

Bệnh tiên lượng tốt, trường hợp nhẹ hầu hết các trẻ ổn định sau khoảng 5-7 ngày, tuy nhiên dấu hiệu ho và khò khè có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần mà không gây hại gì cho trẻ.

3.1 Điều trị hỗ trợ điều trị không cần dùng thuốc

Cho trẻ bú mẹ hoặc ăn nhiều lần, từng chút một.

Ăn đồ ăn lỏng, giàu dinh dưỡng để cung cấp đủ năng lượng và bù nước điện giải cho trẻ.

Vệ sinh mũi sạch.

Vật lý trị liệu ngực không được khuyến cáo điều trị các trẻ có tiền sử khỏe mạnh, chỉ nên dùng với các trẻ khó làm sạch đờm như xơ nang, rối loạn thần kinh cơ…

Cần vệ sinh sạch mũi cho trẻ.

3.2 Điều trị bằng thuốc

- Thuốc giảm đau hạ sốt: Dùng khi trẻ có sốt theo chỉ định. Có thể dùng paracetamol liều 10 -15 mg/kg/lần, cách 4-6h/ lần, không quá 5 lần/ngày; ibuprofen 5-10 mg/kg/lần, cách 6-8h/lần, không quá 3 lần/ngày.

- Thuốc kháng sinh: Bệnh chủ yếu do virus, không sử dụng kháng sinh nếu không có bằng chứng bội nhiễm.

- Thuốc khí dung: Có thể cân nhắc cho trẻ khí dung thuốc giãn phế quản salbutamol liều 0,15mg/kg/lần, nếu có đáp ứng thì tiếp tục sử dụng, nếu không đáp ứng có thể ngưng. Khí dung nước muối ưu trương 3% hiệu quả còn chưa rõ ràng, tùy trường hợp cụ thể sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị.

- Thuốc chống viêm corticosteroid: Có một số bằng chứng cho thấy corticosteroid toàn thân có lợi khi điều trị sớm cho những trẻ có bệnh nền đáp ứng corticosteroid (loạn sản phế quản phổi, hen…), nhưng không thấy có lợi ích ở trẻ tiền sử khỏe mạnh.

- Các trường hợp bệnh nặng, cấp cứu cần được hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy, điều trị thuốc kháng virus đặc hiệu là ribavirin.

Có thể cân nhắc cho trẻ khí dung thuốc giãn phế quản salbutamol.

4. Lưu ý khi dùng thuốc

Không tự ý cho trẻ dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng sinh.

Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc, không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ.

Khi trẻ dùng thuốc nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

5. Làm gì để tránh trẻ mắc viêm tiểu phế quản cấp khi nồm ẩm?

Trong thời tiết nồm ẩm, để tránh trẻ mắc viêm tiểu phế quản cần thực hiện:

Vệ sinh tay cho trẻ sạch sẽ.

Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, khô ráo, tránh để chăn ga, gối ẩm ướt.

Tránh để trẻ mặc quần áo ẩm ướt. Nên dùng máy sấy khô quần áo.

Có thể dùng điều hòa 2 chiều, máy hút ẩm.

Hạn chế mở cửa để tránh không gian phòng bị ẩm.

Ngoài ra, giống các bệnh hô hấp khác, có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách:

Tiêm chủng các mũi vaccine đầy đủ để có sức đề kháng tốt chung với các loại bệnh tật.

Tránh khói thuốc lá, thuốc lào.

Hạn chế đến nơi đông người, đặc biệt hạn chế tiếp xúc người có triệu chứng cảm cúm.

Không thơm, hôn trẻ.

Vệ sinh tay sạch cho cả trẻ và người lớn.

Che mũi và miệng của người lớn và trẻ khi ho hoặc hắt hơi.

Sử dụng khăn giấy 1 lần khi vệ sinh mũi, không dùng khăn xô dùng nhiều lần.

Rửa và sấy khô dụng cụ cho ăn sau khi sử dụng.

Rửa sạch và lau đồ chơi, bề mặt sàn nhà thường xuyên.

Giữ trẻ bị bệnh ở nhà cho đến khi trẻ trẻ ổn định...

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tiến triển nhanh. Hiện nay ở nước ta chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. các cha mẹ cần lưu ý các đặc điểm sau, có thể cảnh báo con bị bệnh nặng cần đi khám bác sĩ như:

Trẻ dưới 3 tháng, hoặc có các bất thường tim phổi bẩm sinh.

Ăn bú kém: Trong 2 -3 cữ ăn gần nhất, trẻ ăn chỉ bằng nửa bình thường.

Không đi tiểu trong 12 giờ gần nhất.

Thở nhanh.

Sốt trên 38 độ C, trên 1 ngày.

Có vẻ rất mệt mỏi hoặc khó chịu, quấy khóc.

Các bất thường khác làm bố mẹ lo lắng.

Da xanh, tím tái, da ẩm nhớp lạnh.

Rút lõm lồng ngực.

Thở rất nhanh, từ 70 lần/phút.

Lì bì khó đánh thức hoặc không được tỉnh táo khi thức dậy.

Có cơn ngưng thở.

Đọc thêm