Viên chức công tác xã hội có chức danh, mã số

Ngạch viên chức Công tác xã hội bao gồm 3 chức danh: Công tác xã hội viên chính, Công tác xã hội viên và Nhân viên công tác xã hội, được quy định có các mã số, gồm: Công tác xã hội viên chính có mã số 24.291, Công tác xã hội viên mã số 24.292, Nhân viên công tác xã hội mã số 24.293.

Bộ Nội vụ mới ban hành Thông tư số 08/TT-BNV hướng dẫn về việc ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội (CTXH). Theo đó, ngạch viên chức này bao gồm 3 chức danh: Công tác xã hội viên chính, Công tác xã hội viên và Nhân viên công tác xã hội.

1
Các người đẹp làm CTXH - Ảnh minh hoạ

Căn cứ vào thông tư trên, Công tác xã hội viên chính có mã số 24.291, Công tác xã hội viên mã số 24.292, Nhân viên công tác xã hội (CTXH) mã số 24.293. Đây sẽ là căn cứ để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức chuyên ngành CTXH.

 Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người tàn tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ cấp, trợ giúp từ Nhà nước hàng tháng. Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội nảy sinh, bức xúc như tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ, vấn đề phát sinh trong nhóm gia đình tại các đô thị, làng quê chịu ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa…, rất cần có sự trợ giúp từ những người làm CTXH. Chính bởi vậy, CTXH đang trở thành một nghề được thừa nhận về tầm quan trọng và ảnh hưởng đối với sự phát triển của xã hội hiện đại.

 

Tháng 3/2010, Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực triển khai từ 10/5/2010. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam với tổng kinh phí thực hiện hơn 2.347 tỷ đồng.

 

Được biết, ngành CTXH là ngành mới đào tạo ở Việt Nam . Hiện tại, ngành này có khoảng 20.000 người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ CTXH, tuy nhiên, hơn 81% là chưa qua đào tạo hoặc đào tạo trái ngành, chưa được học những kỹ năng khoa học cần thiết về CTXH.

 

Mặt khác, cả nước còn có  khoảng 23 trường đại học, cao đẳng đang tham gia đào tạo nguồn nhân lực CTXH với số lượng sinh viên ra trường mỗi năm hơn 1.000 người. Riêng trong năm 2009, có tới 1.500 sinh viên tốt nghiệp cử nhân CTXH trên cả nước.

 

Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân ngành CTXH có thể làm việc tại các cơ quan thuộc ngành LĐ-TB&XH các cấp, hoặc tại cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực như y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, họ cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội./

A.H 

Đọc thêm