Khẳng định vị thế là cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của đất nước, được Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật, đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về những thành tựu này?
- Ngày 02/12/1953, Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay) được thành lập trên mảnh đất Tân Trào lịch sử theo Nghị quyết số 34-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đây là tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật như sau:
Thứ nhất, chức năng, nhiệm vụ ngày càng được mở rộng, tăng cường; cơ cấu tổ chức được kiện toàn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ nhiệm vụ được giao trong ngày đầu thành lập là sưu tầm và nghiên cứu những tài liệu về lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam; biên soạn những tài liệu về sử học, địa lý và văn học Việt Nam; nghiên cứu và giới thiệu lịch sử, địa lý và văn học các nước bạn, đến nay Viện Hàn lâm có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội với 14 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gần như bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn.
Cơ cấu tổ chức từ 3 tổ nghiên cứu văn học, lịch sử, địa lý, ngày nay Viện Hàn lâm đã phát triển thành 42 đơn vị thuộc và trực thuộc, với 32 đơn vị nghiên cứu, 1 đơn vị đào tạo; Viện Hàn lâm và các đơn vị nghiên cứu có 31 tạp chí khoa học, trong đó có 12 tạp chí khoa học được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh và 1 Tạp chí điện tử, là những diễn đàn khoa học uy tín, được giới nghiên cứu và xã hội đánh giá cao. Từ 14 cán bộ, nhân viên khi thành lập, đến nay Viện Hàn lâm có 1.638 cán bộ, trong đó có 444 cán bộ có trình độ tiến sỹ.
Thứ hai, Viện Hàn lâm và các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học với hàng vạn bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học và hơn 7 ngàn đầu sách xuất bản trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có 21 nhà khoa học của Viện Hàn lâm có công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 28 nhà khoa học có công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Nhà nước - là những giải thưởng quan trọng nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của nước ta.
Thứ ba, các nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn có giá trị cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước; cung cấp những luận cứ khoa học cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, những nghiên cứu về chính trị, pháp luật, xã hội, môi trường, về cục diện thế giới, về toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… đều có những bước đi tiên phong, có những đóng góp được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền, bộ máy nhà nước, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, qua đó thiết thực góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013; cải cách tư pháp và gần đây nhất là những đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ tư, đó là thành tựu trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về các ngành khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước, với quá trình hơn 40 năm đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ Viện Hàn lâm trong những năm qua đã góp phần hình thành đội ngũ cán bộ khoa học xã hội nhân văn đông đảo, giỏi chuyên môn, có phẩm chất đạo đức hoạt động trong khắp các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, chính trị, quản lý, hành chính trong cả nước, góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về nguồn nhân lực khoa học xã hội hiện nay.
Thứ năm, Viện Hàn lâm đã phát triển quan hệ hợp tác nghiên cứu, tư vấn triển khai và tổ chức diễn đàn với nhiều Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; quan hệ hợp tác khoa học, trao đổi học thuật và đào tạo nhân lực với hàng trăm các tổ chức, quỹ khoa học uy tín, trường đại học lớn trên thế giới. Nhiều diễn đàn, hội thảo quốc tế do Viện Hàn lâm phối hợp với các tổ chức kinh tế, văn hóa, khoa học lớn đồng tổ chức trong những năm qua đã tạo được tiếng vang, sức lan tỏa về khoa học trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mang tính khu vực và toàn cầu, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Với những thành tựu, kết quả đạt được, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đã khẳng định được vị thế là cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của đất nước, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới
|
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu (bên phải) trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học xã hội Việt Nam” cho Giáo sư Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật. (Ảnh: Kiều Giang) |
Trong giai đoạn phát triển mới, Viện đang tập trung vào các mục tiêu cơ bản nào để tiếp tục khẳng định được vị thế là cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của đất nước, thưa đồng chí?
- Giai đoạn phát triển mới của đất nước đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới quan trọng, nặng nề hơn cho công tác nghiên cứu khoa học nói chung và Viện Hàn lâm nói riêng. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ đột phá trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới”. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 20230 xác định nhiệm vụ “phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ”.
Trong bối cảnh đó, từ nay đến năm 2030, Viện Hàn lâm xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, là cơ quan nghiên cứu lý luận và tham mưu chiến lược, tư vấn chính sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cơ sở đào tạo đại học và sau đại học đạt trình độ tiên tiến tại khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội cho đất nước.
Với mục tiêu tổng quát nêu trên, Viện Hàn lâm xác định một số mục tiêu cụ thể, trong đó có các mục tiêu xuyên suốt là: Nâng cao toàn diện chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản, với các chương trình, đề án nghiên cứu lớn, quan trọng; tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng các sản phẩm khoa học như các đề tài, dự án nghiên cứu, các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn khoa học, các ấn phẩm, tạp chí chuyên ngành, từng bước tiệm cận và tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế;
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho Đảng và Nhà nước; thực hiện các khảo sát chuyên sâu, công bố các báo cáo nghiên cứu có giá trị khoa học lớn, các đánh giá, dự báo tình hình có giá trị thực tiễn và định hướng chính sách cao; tích cực tham gia tổng kết quá trình Đổi mới của đất nước, nghiên cứu các lý thuyết, mô hình, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, góp phần giải quyết hiệu quả các mối quan hệ lớn đặt ra trong quá trình Đổi mới; cung cấp luận cứ cho việc xây dựng chiến lược, lộ trình, bước đi cho Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước; gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học để phát huy thế mạnh của Viện Hàn lâm trong nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu và góp phần hình thành giới nghiên cứu tinh hoa của đất nước trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng điểm; tham mưu, đề xuất các giải pháp chấp nhận rủi ro để các nhà khoa học nghiên cứu các vấn đề mới, khó, phức tạp
|
TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. |
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, thời gian tới, Viện cần tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa đồng chí?
- Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý của Viện Hàn lâm theo hướng hiện đại; bảo đảm cơ cấu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm, thuộc thế mạnh của Viện Hàn lâm, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển phổ quát trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đặc biệt là đội ngũ các chuyên gia đầu ngành có khả năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, mới, phức tạp về khoa học. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển các nhà khoa học trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý khoa học kế cận. Xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh đa ngành và liên ngành có năng lực phân tích và dự báo mạnh, khả năng tư vấn chính sách và hội nhập quốc tế cao để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, các báo cáo tư vấn chính sách, đấu thầu các dự án nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Ba là, tạo môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, nghĩa tình, môi trường học thuật liêm chính, tôn trọng tự do học thuật; đánh giá khách quan, công bằng để ghi nhận, tôn vinh, tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ có năng lực và có nhiều đóng góp.
Bốn là, tiếp tục phát triển hoạt động hợp tác về nghiên cứu khoa học, không chỉ với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo của nước ngoài, các thiết chế quốc tế mà còn cần tăng cường quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học với các ban, Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương.
Năm là, tập trung đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong quản lý nội bộ và tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu; kết nối, chia sẻ dữ liệu, kết quả nghiên cứu, hình thành hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!