Đầy tính thiết thực trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật
- Thưa Thứ trưởng, có thể nói, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta. Vì thế, xin Thứ trưởng chia sẻ đôi điều về ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là sự gia tăng của nền kinh tế số, hình thành các mối quan hệ xã hội mới đang thách thức chính những quan điểm pháp lý truyền thống, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng.
Chẳng hạn như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, sử dụng người máy thông minh thế hệ mới thách thức quan niệm truyền thống về chủ thể của các quan hệ pháp luật, các quy tắc điều chỉnh quan hệ lao động. Sự lưu hành của các loại tiền mã hóa (Bitcoin, Litecoin…) thách thức quan niệm truyền thống về việc sử dụng phương tiện thanh toán. Sự hình thành của các mô hình kinh tế chia sẻ (Uber, Grab, Be, Fastgo, AirBnB, …) thách thức quan niệm về kinh doanh vận tải, kinh doanh dịch vụ lưu trú...
Thêm vào đó, chưa bao giờ vấn đề tội phạm công nghệ cao và việc bảo vệ bí mật đời tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, duy trì an ninh mạng lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Thực tế ấy cho thấy các quy định pháp luật dựa trên các quan điểm pháp lý truyền thống đang tỏ ra chưa đủ để điều chỉnh một cách hiệu quả các tình huống mới phát sinh.
Việt Nam đang đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vươn lên, tiếp cận kịp thời những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo sự lan tỏa tích cực, làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
Vì vậy, việc Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” có ý nghĩa rất thiết thực, tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cùng các bộ, ngành có liên quan trao đổi, nhận diện rõ hơn những vướng mắc về thể chế cần giải quyết, bước đầu đề xuất một số giải pháp và hiến kế với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cách giải quyết những vấn đề pháp lý quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực pháp luật
- Theo Thứ trưởng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động như thế nào đến hệ thống pháp luật Việt Nam?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Theo dự báo bước đầu, có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động trực tiếp tới các lĩnh vực pháp luật quan trọng sau đây:
- Tác động trực tiếp vào pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: khi hợp đồng được giao kết nhiều hơn trên môi trường số hóa, các quy tắc truyền thống liên quan tới chứng cứ về giao kết hợp đồng, địa điểm giao kết hợp đồng, thẩm quyền tài phán liên quan tới giao kết hợp đồng có thể phải được tính toán lại. Pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng cần được căn chỉnh lại để xử lý những trường hợp quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người máy (robot) gây ra trong quá trình vận hành (sẽ do người sở hữu người máy chịu hay người thiết kế ra phần mềm điều khiển hoạt động của người máy phải chịu).
- Tác động trực tiếp tới pháp luật về sở hữu trí tuệ: ví dụ như các quy tắc xác định quyền tác giả hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do robot hoặc ứng dụng trí thông minh nhân tạo tạo nên có thể cần phải xem xét lại.
- Tác động trực tiếp tới lĩnh vực pháp luật về an sinh xã hội và pháp luật lao động: khi người máy được ứng dụng rộng rãi, hình thành nên các nhà máy sản xuất thông minh (smart factories), số lượng công nhân lao động bị thất nghiệp nhiều, nhất là các loại lao động thủ công thì ứng xử của Nhà nước đối với vấn đề này ra sao? Việc ứng dụng người máy thay cho nhân viên đang làm việc có được xem là căn cứ hợp lý để chấm dứt hợp đồng lao động với người làm công bị thay thế không? Nếu chấm dứt thì trách nhiệm của chủ sử dụng lao động thế nào, nhất là trong việc đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp?
- Tác động trực tiếp tới lĩnh vực pháp luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền riêng tư của mỗi người dân trên môi trường số/môi trường Internet cũng như trong đời thực. Theo đó, tới đây, yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cá nhân sẽ ngày càng lớn hơn.
- Tác động trực tiếp tới lĩnh vực pháp luật ngân hàng, tài chính, tiền tệ: việc phát minh ra các dạng tiền mã hóa được một bộ phận dân chúng sử dụng, đầu tư và đầu cơ đang đặt ra nhiều bài toán về chính sách tiền tệ và đảm bảo an ninh tiền tệ.
- Tác động trực tiếp tới lĩnh vực pháp luật hình sự và tố tụng hình sự: khi số tội phạm thực hiện trên môi trường số càng lớn, thách thức đặt ra đối với pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự cũng rất lớn.
- Tác động trực tiếp tới lĩnh vực quản trị công: xu hướng xây dựng Chính phủ điện tử (e-government), chính phủ ứng dụng mạnh mẽ hơn những thành tựu mới nhất của trí thông minh nhân tạo, tự động hóa, số hóa để có thể nhận diện chính xác hơn vấn đề cần xử lý và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt hơn. Tương tác giữa chính quyền với người dân ngày càng trực diện hơn và tăng tính dân chủ, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ở cấp chính quyền địa phương, nhất là chính quyền các thành phố, cần nhận diện xu hướng xây dựng thành phố thông minh để có cơ chế quản trị thành phố thông minh.
- Cá nhân ông có kỳ vọng gì về kết quả của Hội thảo này không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Chúng ta đang nỗ lực để thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, đồng thời tích cực chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tới đây sẽ định ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Đây là cơ hội lớn cho những người làm công tác xây dựng chính sách, xây dựng, thực thi pháp luật đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước, đóng góp vào quá trình hình thành đường lối, chủ trương của Đảng. Tổ chức Hội thảo quan trọng này cũng chính là dịp chúng ta đóng góp vào công việc đặc biệt quan trọng đó.
Cá nhân tôi rất hy vọng Hội thảo này là dịp để các Bộ, ngành tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đánh giá rõ hơn tính tương thích của các đạo luật hiện hành với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kịp thời có đề xuất phương hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Tôi cũng mong muốn, kết thúc Hội thảo này, Bộ Tư pháp có thể bước đầu tham mưu các giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tiến trình xây dựng, thực thi thể chế, pháp luật luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!