Việt kiều chưa mặn mà đăng ký giữ quốc tịch

Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là một trong những quy định rất đáng chú ý của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, số bà con kiều bào ta đến các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm thủ tục đăng ký lại rất ít.

Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là một trong những quy định rất đáng chú ý của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, số bà con kiều bào ta đến các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm thủ tục đăng ký lại rất ít.

Mới có hơn 2.000/4 triệu kiều bào đăng ký

Ngay sau khi Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Bộ Ngoại giao đã thông báo nội dung quy định và hướng dẫn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất của Bộ Ngoại giao cho biết, hiện mới có 2.135 trường hợp đăng ký giữ quốc tịch, trong đó 1.121 người có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, số còn lại phải xác minh (trong 1.014 trường hợp phải xác minh thì 368 trường hợp đã có văn bản trả lời xác minh trong nước, 646 trường hợp đang tiếp tục xác minh). Như vậy, so với hơn 4 triệu kiều bào ta ở nước ngoài thì số người đã làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch là quá nhỏ nhoi.

Lý giải việc có ít người đến đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đưa ra một số nguyên nhân. Theo đó, trong thời gian đầu có nhiều người đến tìm hiểu về thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, chủ yếu với nguyện vọng sau khi đăng ký sẽ được cấp hộ chiếu Việt Nam để thuận tiện về Việt Nam thăm thân, mua nhà hoặc về trong nước sinh sống. Nhưng khi được giải thích về giá trị của việc đăng ký giữ quốc tịch, phần lớn bà con đã không còn quan tâm đến thủ tục này hoặc chuyển sang đề nghị cấp hộ chiếu Việt Nam. 

Chỉ là “xếp gạch giữ chỗ”?!

Chính vì chưa phát sinh hệ quả pháp lý nào (chẳng hạn như để được xác nhận có quốc tịch Việt Nam, được cấp hộ chiếu Việt Nam) nên đại diện Vụ Pháp luật – Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ là để “xếp gạch giữ chỗ”. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cho biết thêm: muốn đăng ký giữ quốc tịch thì phải có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, không có giấy tờ thì phải xác minh. Do đó, phần lớn các Cơ quan đại diện phản ánh là bà con bức xúc về thủ tục đăng ký giữ quốc tịch mất thời gian, nhiều trường hợp không xác minh được.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất khẳng định: Theo quy định của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Thông tư số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định số 78, trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam rất đơn giản, thuận tiện cho người dân và rất công khai, minh bạch.

Cụ thể, người dân có thể đến Cơ quan đại diện Việt Nam nơi có quốc tịch hoặc nơi đang thường trú để làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch và được cấp ngay giấy xác nhận về việc đã đăng ký giữ quốc tịch. Nếu người dân xuất trình được giấy tờ chứng minh rõ họ có quốc tịch Việt Nam thì sẽ được cơ quan thực hiện việc đăng ký ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch là người đó có quốc tịch Việt Nam. Nếu họ không có đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì trách nhiệm xác minh thuộc về cơ quan thực hiện việc đăng ký và cơ quan trong nước. “Bởi thế, không thể nói thủ tục đăng ký là phức tạp” – ông Thất nhấn mạnh.

Trước tình hình trên, để có thể nắm bắt được thực chất vấn đề và gặp gỡ bà con tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, Vụ Hành chính tư pháp đang đề xuất cho phép tổ chức đoàn công tác liên ngành tại một số địa bàn có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan.

Thục Quyên

Đọc thêm