Việt- Lào trao đổi kinh nghiệm quản lý viên chức

(PLVN) -Hôm nay (ngày 10/7), tại Hà Nội, Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Nội vụ CHDCND Lào đã tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm quản lý viên chức và quản lý chính quyền địa phương Việt Nam – Lào”, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Nội vụ Lào Khăm-mặn Xủn-vi-lợt đồng chủ trì.
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, công tác quản lý viên chức, quản lý chính quyền địa phương là một trong những trọng tâm cải cách hành chính của Việt Nam và Lào.

Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào Khăm-mặn Xủn-vi-lợt cho biết: Đảng và Chính phủ hai nước luôn đặt mối quan tâm hàng đầu trong hai công tác quản lý viên chức và quản lý chính quyền địa phương. Đây là hai nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của hai đất nước. Đồng thời, hội thảo lần này là cơ hội để hai bên chia sẻ những kinh nghiệm, lý luận về công tác quản lý viên chức, quản lý chính quyền địa phương nhằm đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chung nhận định chế độ pháp lý về công chức, viên chức của Việt Nam – Lào có những nét tương đồng. Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho hay, Việt Nam phân biệt rõ ràng giữa đối tượng là cán bộ, công chức và đối tượng là viên chức. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội thảo.

Đối với đội ngũ cán bộ được gắn với tiêu chí bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo thường kỳ. Đối với đội ngũ công chức gắn với tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm với một chức vụ, chức danh- là đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước và đây là dấu hiệu để phân biệt giữa đội ngũ công chức và viên chức. Trong khi đó, đội ngũ viên chức gắn với tiêu chí tuyển dụng, làm việc theo vị trí việc làm, chế độ hợp đồng. Cán bộ, công chức được pháp luật trao quyền thực hiện quyền lực nhà nước hoặc nhân danh quyền lực nhà nước, còn viên chức thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công cho xã hội.

 Từ sự khác biệt này sẽ dẫn đến những phân biệt về chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm… Đội ngũ cán bộ, công chức hiện 100% do Nhà nước chi trả lương, còn viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Có sự liên thông trong công tác cán bộ, công chức có thể chuyển sang làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập và trở thành viên chức, nhưng nếu có nhu cầu điều động trở lại vẫn chuyển thành công chức. 

Về phía CHDCND Lào, Vụ trưởng Vụ Quản lý công chức Sụ-văn-ny Lặt-tạ-nạ-vông cho hay, nước này hiện có trên 184.000 cán bộ, công chức, bao gồm cả công chức y bác sỹ, công chức giáo viên. Tuy nhiên, Lào chưa có sự phân biệt rõ giữa cán bộ, công chức và viên chức, đây là điều nước này cần nghiên cứu, tìm hiểu ở Việt Nam .

Cung cấp thêm thông tin, ông Khăm-phăn Sặc-la-sỉnh, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào) khẳng định, trong thời gian qua Bộ Nội vụ Lào đã nghiên cứu để chuẩn bị thành lập thị trấn, thành phố và xây dựng dự thảo pháp lý liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của chính quyền Thủ đô nhằm tạo ra sự khác biệt giữa đơn vị chính quyền trong nội đô và nông thôn theo tình hình thực tiễn của việc phát triển của nước. Ông Khăm-phăn Sặc-la-sỉnh mong muốn Bộ Nội vụ Việt Nam chia sẻ rõ hơn về các tiêu chuẩn để thành lập chính quyền thị trấn, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào phát biểu tại hội thảo.

Cũng trong Hội thảo, các đại biểu hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề như: quyền tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập; điều động, luân chuyển cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; phân cấp giữa viên chức và công chức; việc thi tuyển, xét tuyển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các chế độ hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động; thành lập bộ máy chính quyền các cấp…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao và trân trọng cảm ơn các ý kiến trao đổi, thảo luận giữa đại biểu Bộ Nội vụ hai nước đã góp phần làm rõ những vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, quản lý chính quyền địa phương. 

Ông Lê Vĩnh Tân hy vọng từ thực tiễn đã trao đổi, Bộ Nội vụ hai nước sẽ thu nhận thêm các kinh nghiệm, bài học để tham mưu trong nhiệm vụ xây dựng các văn bản pháp quy liên quan phù hợp thực tiễn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước CHDCDN Lào.

Đọc thêm