Việt –Mỹ hướng tới quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược

Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ song phương trên cơ sở hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và các cam kết chung nhằm đảm bảo một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng và an toàn.

Sáng 18/6 (theo giờ Việt Nam), tại thủ đô Washington (Mỹ), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Chính trị - Quân sự Andrew J. Shapiro đã kết thúc cuộc Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Việt - Mỹ thường niên lần thứ 4.

Cam kết tăng cường quan hệ song phương

Theo thông cáo báo chí đưa ra sau khi kết thúc phiên đối thoại, cuộc đối thoại lần thứ 4 phản ánh sự hợp tác ngày càng cao giữa Việt Nam và Mỹ trên cơ sở thành công của cuộc đối thoại lần thứ 3 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2010. Hai bên đã tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ song phương trên cơ sở hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và các cam kết chung nhằm đảm bảo một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng và an toàn.

Các quan chức hai nước Việt - Mỹ đã cùng thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, phòng chống ma túy, tìm kiếm binh lính Mỹ và bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh, giải quyết vấn đề chất độc da cam/đioxin, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai cũng như các lĩnh vực hợp tác quốc phòng và an ninh khác.

Hai bên đồng thời thảo luận việc nâng tầm quan hệ song phương hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Đây là chủ đề đã được tái khẳng định trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Hà Nội hồi tháng 10/2010. Việt Nam và Mỹ khẳng định rằng hợp tác giữa hai bên trong giải quyết những thách thức an ninh quốc tế và khu vực là sự phát triển tự nhiên của mối quan hệ song phương đầy đủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, giúp tạo nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng kinh tế của hai nước.

Duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông

Trong cuộc đối thoại lần này, các quan chức hai nước cũng trao đổi về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và nhất trí rằng, việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; mọi tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và hợp tác, không gây sức ép hay sử dụng vũ lực.

 “Trong đối thoại các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng có một đề mục trao đổi những vấn đề an ninh của khu vực, và những vấn đề liên quan tác động đến khu vực. Và rõ ràng trong vấn đề tác động an ninh khu vực thì Biển Đông là một trong những vấn đề được quan tâm.

Tình hình Biển Đông có sự quan tâm của tất cả các nước, trong đó có Mỹ. Trong trao đổi, các bên đều nhận định vấn đề an ninh, và duy trì an ninh Biển Đông rất quan trọng. Việc giải quyết các vấn đề tồn tại hoặc những bất đồng ở Biển Đông phải thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, cũng như các quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

Rõ ràng những sự kiện ở Biển Đông đang gây những lo ngại bởi nó liên quan đến khu vực là những vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

(Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh)

Hai bên cho rằng các tuyên bố lãnh thổ và lãnh hải cần phải phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của LHQ năm 1982. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố 2002 về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc và khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử đầy đủ. Phía Mỹ tái khẳng định những sự kiện bất ổn trong những tháng gần đây không thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, gây quan ngại về an ninh hàng hải, đặc biệt về tự do hàng hải, phát triển kinh tế, thương mại hợp pháp và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trước đó, ngày 16/6 tại Washington, Thứ trưởng Thường trực Phạm Bình Minh cũng có các cuộc tiếp xúc với Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị William J. Burns, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell, Hạ nghị sỹ Ernie Faleomavaega, lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), lãnh đạo Bộ Quốc phòng và văn phòng Thượng nghị sỹ James Inhofe.

Tiếp tục bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”

Trước đó, Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, diễn ra từ ngày 13-17/6 tại New York, Hoa Kỳ với sự có mặt tham dự của Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ Lê Lương Minh dẫn đầu.

Hội nghị này nhằm đánh giá hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước gồm Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, Cơ quan Quyền lực quốc tế đáy đại dương; tập trung thảo luận các biện pháp cải tiến hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa nhằm đẩy nhanh tiến trình xem xét báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa kéo dài; bầu 7 thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển và kiểm điểm việc triển khai Công ước.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982, cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện và bao quát nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, nhấn mạnh mọi hoạt động trên biển phải được tiến hành phù hợp với Công ước, tôn trọng đầy đủ quyền quốc gia ven biển được hưởng trên các vùng biển được xác định theo Công ước.

Đề cập việc gần đây Trung Quốc đã liên tục phá hoại hoạt động khảo sát bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh khẳng định, đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của Công ước.

Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định đường yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển.

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển cũng như Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng khu vực Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định. Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, nhiều nước ASEAN đã phát biểu nhấn mạnh cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật Biển khi tiến hành các hoạt động trên biển; đề cao sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)…

P.Cao - M.Hiển

Đọc thêm