Việt Nam - Ả rập Xê-út: Phối hợp chặt chẽ, tạo cầu nối để doanh nghiệp mở rộng đầu tư

(PLVN) -Sáng 19/10 (giờ địa phương), phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ả rập Xê-út, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn Việt Nam và Ả rập Xê-út phối hợp chặt chẽ, cùng nhau trở thành cầu nối để doanh nghiệp hai bên không chỉ cùng tham gia thị trường của nhau mà còn mở rộng ra cả khu vực ASEAN và GCC.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các liên đoàn, công ty, cơ quan của Việt Nam và Ả rập Xê-út. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các liên đoàn, công ty, cơ quan của Việt Nam và Ả rập Xê-út. (Ảnh: VGP).

Diễn đàn được tổ chức tại Thủ đô Riyadh của Ả rập Xê-út, nhân dịp Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng vịnh (GCC) và thăm Ả rập Xê-út.

Doanh nghiệp Ả rập Xê-út muốn tăng gấp đôi quy mô đầu tư tại Việt Nam

Thông tin tại Diễn đàn cho thấy, thời gian qua, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam - Ả rập Xê-út và luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển. Lũy kế đến tháng 9/2023, Ả rập Xê-út có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 8,27 triệu USD, đứng thứ 79/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 2 tỷ USD. Việt Nam và Quỹ Ả rập Xê-út đã ký hơn 10 dự án với tổng vốn ODA khoảng trên 165 triệu USD.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã giới thiệu và thảo luận về tiềm năng hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Ả rập Xê-út; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tình hình thương mại, đầu tư giữa hai nước; đưa ra các đề xuất thúc đẩy hợp tác đầu tư, bổ trợ cho nhau cùng phát triển giữa hai nước, doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực bên này có nhu cầu, bên kia có thế mạnh.

Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại Ả rập Xê-út Hassan Al Hwaiziy cho biết các doanh nghiệp Ả rập Xê-út mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển đô thị, công nghiệp hóa dầu, khoáng sản, du lịch, giải trí, sản xuất thép, năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, công nghệ thông tin, dệt may... nhằm tăng gấp đôi quy mô hợp tác đầu tư so với hiện nay.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông tin về tình hình Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới. Thủ tướng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trước tình hình lạm phát neo ở mức cao và tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao ở nhiều nước, Việt Nam đã nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất của khu vực và thế giới.

Thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước

Thông tin về các định hướng lớn của Việt Nam trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng “4 không” và xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xuyên suốt quá trình này, Việt Nam lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thủ tướng khẳng định, đây là những nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, hai nền kinh tế có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, với chủ trương đẩy mạnh những lĩnh vực mới nổi, như phát triển đô thị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu... Mặt khác, những kết quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư vừa qua giữa hai nước cho thấy dư địa hợp tác giữa hai bên còn nhiều, tiềm năng còn rất lớn.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, Hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ả rập Xê-út tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ả rập Xê-út để cùng nhau triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả, thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước.

Cho rằng với vị thế và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam và Ả rập Xê-út có vai trò quan trọng tại khu vực ASEAN và GCC, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Ả rập Xê-út phối hợp chặt chẽ, cùng nhau trở thành cầu nối để doanh nghiệp hai bên không chỉ cùng tham gia thị trường của nhau mà còn mở rộng ra cả khu vực tiềm năng, rộng lớn ASEAN và GCC.

Thủ tướng nhấn mạnh, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Việt Nam cam kết bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp; chào đón, luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Ả rập Xê-út nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam.

Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam - Ả rập Xê-út đã ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác.

Đọc thêm