Việt Nam - Áo ưu tiên hợp tác năng lượng sạch, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội cho rằng Việt Nam và Áo cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như năng lượng sạch, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học...

Sáng 6/9 (giờ địa phương), tại Phòng Thương mại Áo, Thủ đô Viên đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo do Sứ quán Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại kinh tế Liên bang Áo đồng tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam đã tham dự Diễn đàn, cùng với hơn 30 lãnh đạo là đại diện cho hơn 20 tập đoàn, công ty của Áo và đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Các doanh nghiệp của Áo tới dự Diễn đàn đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, tư vấn, giao thông, ô tô, thiết bị an ninh, phòng cháy, xử lý rác thải y tế, xử lý bền mặt kim loại, thương mại, luật, dịch vụ hàng không và năng lượng. Trong đó có nhiều đối tác đã và đang thực hiện các dự án ở Việt Nam như xây dựng cáp treo ở Đà Nẵng, Lào Cai, sản xuất phụ tùng ô tô, các công ty đa quốc gia đặt trụ sở đại diện của khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, về đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa kết nối hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Về quan hệ đầu tư, Áo hiện có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và khoa học công nghệ. Về quan hệ thương mại, Áo luôn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và hiện đang nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, con số ấn tượng trong bối cảnh dịch COVID-19, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010.

Chủ tịch QH cùng một số đại biểu tham dự Diễn đàn.

Chủ tịch QH cùng một số đại biểu tham dự Diễn đàn.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này là khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Áo.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Áo trong thời gian tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như năng lượng sạch, hạ tầng, viễn thông, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học; nâng cao vai trò của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế thương mại.

Đồng thời phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước; các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

Chủ tịch QH cũng mong muốn Phòng Thương mại Áo và doanh nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để thúc đẩy QH và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA sớm nhất cũng như mong doanh nghiệp Áo ủng hộ để Chính phủ Áo hỗ trợ cung cấp vaccine, các trang thiết bị y tế, giúp Việt Nam phòng chống dịch bệnh.

Việc hai bên kết hợp với nhau sẽ có nhiều lợi ích mà Chủ tịch QH đặt ra là Áo có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường EU, đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Áo tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn nữa với 800 triệu dân khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam là thành viên, đã có hiệu lực.

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là, giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành chức năng của Việt Nam đã trả lời những câu hỏi của các doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các cam kết mạnh mẽ.

Đọc thêm