Việt Nam cần chủ động hơn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau nhiều nỗ lực hỗ trợ phát triển công nghiệp, Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”. Việc cần thiết hiện nay là Việt Nam cần chủ động hơn, mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đến nay, có 250 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.
Đến nay, có 250 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.

Cơ cấu công nghiệp chuyển biến tích cực

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 370 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á; Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Đáng chú ý, năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp.

“Các doanh nghiệp (DN) cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết thêm, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bao gồm dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc phát triển CNHT, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển trên là tín hiệu, cơ sở để thu hút, khuyến khích các DN đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong lĩnh vực được ưu tiên. Đặc biệt, tăng cường thúc đẩy các DN FDI đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

“Chúng ta luôn chủ trương ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Ngô Khải Hoàn nói.

Việt Nam có lợi thế thu hút đầu tư

Theo ông Choi Joo Ho - Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, trong xu hướng chuyển dịch sản xuất và đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng từ sau COVID-19, Việt Nam đang có một số lợi thế bao gồm sự nỗ lực trong việc thu hút FDI và tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ và nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Theo ông Choi Joo Ho, việc cần thiết của Việt Nam hiện nay chính là mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành CNHT tại Việt Nam và cần phải có những nỗ lực trung - dài hạn trong tương lai với sự kết hợp giúp sức của Chính phủ Việt Nam và các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới.

Lấy dẫn chứng, ông Choi Joo Ho cho biết, từ năm 2015 cho đến nay, Samsung đã và đang phối hợp cùng Bộ Công Thương để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệm hàng chục năm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các DN trong nước.

Ngoài ra, Samsung cũng đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của mình. Tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp nội địa Việt Nam (bao gồm cả cấp 1 và cấp 2) của Samsung là 250 DN, trong đó có 52 DN cấp 1. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 DN cấp 1 vào năm 2014.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng chiến lược, mục tiêu và kế hoạch thực hiện. Cụ thể, có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng.

Đáng chú ý, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, DN trong ngành cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau như DN đối tác, hiệp hội DN, các tổ chức quốc tế. Các DN dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ DN khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới”, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Đọc thêm