Chú trọng quản lý nợ
Theo ông Takehiko Nakao, kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục giữ được đà phục hồi, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, tỷ giá được bình ổn... Với những nhận định lạc quan như vậy, ông tái khẳng định quan điểm được ADB đưa ra hồi tháng 3 vừa qua rằng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng khoảng 6,7% trong năm 2016, bằng với mức của năm 2015 dù đang có nguy cơ suy giảm do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tiếp diễn. Lạm phát được dự báo ở mức 3%.
Tuy nhiên, Chủ tịch ADB cũng lưu ý việc nợ công của Việt Nam hiện đã gần đến trần 65% GDP và cho rằng Việt Nam cần chú ý đến tính bền vững của các khoản nợ. “Quản lý nợ là việc rất quan trọng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải theo dõi sát sao các khoản nợ để đảm bảo phát triển bền vững” – ông nói.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao gợi ý Việt Nam có thể tìm kiếm các nguồn vốn vay với lãi suất thấp và đa dạng hóa nguồn vốn để phát triển nhưng lưu ý Chính phủ thận trọng trong việc phát hành trái phiếu cũng như bội chi ngân sách.
Theo ông Nakao, vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. “Song song với việc giải quyết nợ công, Chính phủ cần nhanh chóng tiến hành cải cách các doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp, nâng cao quản trị và tăng cường hiệu quả tài chính của doanh nghiệp; chú trọng đến chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thu nội địa thông qua việc thực thi các chính sách thuế”, ông Nakao nhấn mạnh.
Giải ngân 1 tỉ USD/năm
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nakao tái khẳng định ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ Việt Nam thông qua các khoản cho vay trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Ông cho biết, trong năm nay, giải ngân của ADB cho Việt Nam từ 0,8 đến 1 tỉ USD. Trong giai đoạn 2016-2017, nợ đáo hạn của Việt Nam khoảng 400 triệu USD. Như vậy, vay ròng của Việt Nam từ tổ chức này sẽ rơi vào khoảng 400-600 triệu USD.
Theo Chủ tịch ADB, Việt Nam hiện đang vay vốn từ tổ chức này theo hai nguồn là nguồn vốn thông thường (OCR) và Quỹ Phát triển Châu Á (ADF). Cả hai đều là vốn vay ưu đãi nhưng ADF có kỳ hạn và lãi suất có lợi hơn cho Việt Nam. Tuy nhiên, thu nhập quốc dân của Việt Nam hiện đã vượt ngưỡng, gần gấp đôi chỉ số để được vay từ ADF.
Do đó, ADB đang cân nhắc các yếu tố để cho Việt Nam “tốt nghiệp” ADF, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ không được vay với lãi suất thấp như trước. Song, ông Nakao khẳng định, tạm thời đến năm 2017, Việt Nam vẫn tiếp tục được vay vốn ADF như cũ.
ADB cũng đang xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020 nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường. Trong đó, trong lĩnh vực y tế, ADB sẽ hỗ trợ để mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng và tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế so với mức 76% hiện nay. Trong giáo dục, ADB sẽ tăng cường hỗ trợ theo chiều sâu để cải thiện chất lượng giáo dục trung học và mở rộng hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.
Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước, đồng thời cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các khoản vay để giúp Việt Nam thích nghi và giảm thiểu tác hại của biến đối khí hậu.
Doanh nghiệp tư nhân có thể vay vốn
Một thông tin quan trọng khác được ông Nakao đưa ra tại họp báo là việc trong thời gian tới ADB sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân – chương trình đã được ADB triển khai tại một số nước như Trung Quốc và Myanmar trong những năm qua. Đặc biệt, khoản vay này do được áp dụng đối với lĩnh vực tư nhân nên sẽ không tính vào khoản nợ công của Chính phủ.
Tại Việt Nam, theo ông Nakao, các doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu hoàn toàn có thể vay được vốn từ ADB. “Việc vay này về mặt lý thuyết không có trở ngại gì nhưng chưa hiện thực hóa ở Việt Nam do chưa có yêu cầu từ phía các doanh nghiệp tư nhân”, ông khẳng định. Vẫn theo Chủ tịch ADB, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo của nước ta sẽ có nhiều cơ hội vay vốn từ Ngân hàng này.
Ngoài ra, ông cũng cho biết, ADB cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP) phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.
Tính tới 31/12/2015, ADB đã cung cấp 14,4 tỷ USD vốn vay, 276,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 318,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Mới đây, ADB cũng đã phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD từ Quỹ ứng phó thảm họa châu Á - Thái Bình Dương của ADB để hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.