Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn để kích cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo TS. Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), thay vì dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu, Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn…
TS. Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng UNDP phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng UNDP phát biểu tại Tọa đàm.

Tổng cầu suy yếu...

Với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới”, Tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì tổ chức sáng 11/07 đã chỉ ra vấn đề hiện nay của nền kinh tế chính là ở tổng cầu.

PGS.TS.Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (NEU) nhận định, tất cả các động lực từ tổng cầu đều suy yếu. “Ngay cả trong sự ổn định vĩ mô hiện nay, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp cũng là một chỉ dấu cho sự quan ngại, bởi lạm phát thấp cũng có phần do tổng cầu suy yếu…” - chuyên gia này phân tích.

Theo đó, tổng cầu yếu, chi phí sản xuất gia tăng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp. Từ đó, thu nhập của doanh nghiệp, người lao động suy giảm, nếu kéo dài dẫn tới sa thải, tín dụng không tăng, và kinh tế giảm.

Phân tích tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, PGS.TS.Phạm Thế Anh đặc biệt lưu ý, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại nhưng biến động hơn, và tất cả các động lực tăng trưởng từ tổng cầu đang suy yếu. Trong khi đó, nền tảng phục hồi không chắc chắn.

Theo chuyên gia đến từ NEU, cả 03 động lực từ phía cầu đều suy yếu. Đó là: Tổng mức bán lẻ (tăng tốt trong Quý I nhưng chậm lại trong Quý II); Đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều yếu; Xuất nhập khẩu giảm mạnh hơn qua các quý.

PGS.TS.Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (NEU) phát biểu tại Tọa đàm.

PGS.TS.Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (NEU) phát biểu tại Tọa đàm.

“Điều đáng quan ngại là sự suy giảm của xuất khẩu không chỉ do cầu thế giới giảm mà đã xuất hiện dấu hiệu lo ngại nguy cơ mất hẳn đơn hàng do các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu như xanh môi trường, bền vững…” - PGS.TS.Phạm Thế Anh phát biểu.

Để khắc phục tình trạng tổng cầu yếu, theo PGS.TS.Phạm Thế Anh, có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng.

Chính sách tài khóa còn dư địa…

Phân tích dưới góc độ chính sách tài khóa - tiền tệ, TS. Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng UNDP cho rằng Việt Nam dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Theo chuyên gia UNDP, việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản…

Trong khi đó, các công cụ tài khoá không được sử dụng đúng mức làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng (chính sách tài khoá là thuận chu kỳ).

Theo chuyên gia UNDP, Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn. Trước hết là khắc phục tình trạng đầu tư công phân mảnh, không hiệu quả, không gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Cùng với đó,hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hơn.

Cũng theo TS. Johnathan Picus, thâm hụt tài khoá của Việt Nam lớn hơn các con số chính thức; Tỉ lệ đầu tư công trên GDP giảm, ngày càng địa phương hoá; Phân cấp đầu tư công ở Việt Nam vào loại cao nhất trên thế giới.

Theo khuyến nghị của chuyên gia UNDP, Việt Nam cần xây dựng chính sách tài khoá nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm; Lật ngược suy giảm đầu tư công, tăng hiệu quả, tập trung, thông qua giám sát quốc gia, và kế hoạch phát triển vùng; Hiện đại hoá hệ thống an sinh xã hội phù hợp với quốc gia thu nhập trung bình, công nghiệp hoá; Minh bạch hoá chính sách tài khoá .

Cùng với đó, quan tâm xây dựng công cụ mới, ví dụ Ngân hàng Khí hậu công (với sự tham gia của tư nhân), nhằm tăng nguồn tài chính dài hạn cho chuyển dịch năng lượng…

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB) chia sẻ tại Tọa đàm.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB) chia sẻ tại Tọa đàm.

Đánh giá về chính sách tiền tệ của Việt nam trong thời gian qua, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho rằng hiệu lực của chính sách tiền tệ còn hạn chế.

“Dư địa của chính sách tiền tệ bị hạn chế và khả năng truyền dẫn yếu. Vấn đề đặt ra là nhu cầu tín dụng yếu dẫn đến đầu tư thấp, bất ổn cao. Do đó, các biện pháp từ phía cung, chẳng hạn như tiếp tục nới lỏng và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, có thể sẽ kém hiệu quả hơn và rủi ro hơn..” - Chuyên gia WB phân tích.

Nguyên nhân được chỉ ra là do lãi suất toàn cầu có khả năng duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn; Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới có thể tăng lên, gây áp lực lên tỷ giá.

Đồng tình với nhận định cần tập trung vào chính sách tài khóa, bà Dorsati Madani, cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách tài khóa mặc dù quá trình thực thi gặp nhiều thách thức và cần phải hành động ngay.

Đơn cử như Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện quy trình thủ tục, đặc biệt xác định mục tiêu và vấn đề thực hiện, đồng thời xem xét khả năng hấp thụ.

“Đầu tư công không đủ mà cần phải hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi cú sốc liên quan đến suy giảm kinh tế toàn cầu…” - Chuyên gia WB lưu ý.

Đọc thêm