Thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia
Việt Nam vốn được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng (NL) phong phú, đa dạng (thủy điện, than, dầu khí, gió, mặt trời…) nhưng qua thực tế phát triển đất nước, Việt Nam đã phải chuyển từ trạng thái xuất khẩu ròng NL sang nhập khẩu vào năm 2015.
Đây chính là lý do Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản, chính sách pháp luật yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm (NLTK) và hiệu quả. Mới nhất là Chương trình quốc gia về sử dụng NLTK và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm mục tiêu huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện mọi giải pháp về sử dụng NLTK hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025.
Chương trình này đặt ra 2 mục tiêu quan trọng trong đó trọng tâm đặt vào việc cải thiện chất lượng sử dụng NL tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành NL Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Mục tiêu đầu tiên là tiết kiệm từ 8-10% lượng NL cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường.
Theo đó, mục tiêu này được phân kỳ thành 2 giai đoạn: từ 2019-2025 yêu cầu cả nước phải tiết kiệm từ 5-7% tổng năng lượng yêu cầu cho phát triển đất nước; Giai đoạn 2026-2030 yêu cầu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV - Bộ Công Thương) cho biết, trước đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được tổ chức triển khai từ năm 2006-2015 đã đưa lại mức TKNL tương đương hơn 16 triệu TOE. Trong đó, giai đoạn 2011- 2015 tỷ lệ tiết kiệm là 5,65%, tương đương với tổng NLTK được trong giai đoạn này là 11,2 triệu TOE.
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ TKNL&PTBV, cho biết, Việt Nam đã nhận được những thành tựu bước đầu rất khả quan nhằm cải thiện chất lượng sử dụng NL từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đã có rất nhiều các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao các chương trình này của Việt Nam. Hầu hết đều cho rằng, nếu không thực hiện Chương trình mục tiêu này, khả năng tiết kiệm khoảng 16 triệu TOE (tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh giờ điện) của Việt Nam khó có thể thực hiện được so với nhu cầu NL phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2006-2015.
Tiết kiệm năng lượng từ những hành động nhỏ
Các khảo sát, tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn NL trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của Việt Nam chỉ đạt được từ 28-36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8-10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010 và được nâng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã từng khẳng định, tiềm năng TKNL trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng... của Việt Nam có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ.
Dẫn ví dụ về tiềm năng TKNL còn khá lớn ở các lĩnh vực, đại diện Vụ TKNL&PTBV cho biết, Công ty Cổ phần lương thực thực phẩm Colusa - Miliket đã có thể tiết kiệm đến 608 triệu đồng/năm trong việc sử dụng NL hiệu quả. Cụ thể, với việc cải tạo hệ thống chiếu sáng bằng cách thay các bóng đèn huỳnh quang bằng các bóng đèn led, công ty đã tiết kiệm được 66 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, Công ty này còn thực hiện các biện pháp kỹ thuật khác để tiết kiệm gần 60 tấn than/năm…
Công ty Sơn Hà cũng đã triển khai các giải pháp TKNL trong vài năm gần đây. Kết quả kiểm toán năng lượng 3 năm qua cho thấy, Công ty đã tiết kiệm được 426.471 kWh điện, tương đương với số tiền tiết kiệm được là 0,77 tỷ đồng và tương đương với lượng CO2 giảm phát thải là 245,818 tấn. Ngoài ra, còn khá nhiều công ty khác cũng đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm thông qua các biện pháp sử dụng NL hiệu quả.
Ông Kim cho rằng, kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả NL và giảm phát thải cho thấy các hoạt động tổng thể về TKNL cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai TKNL trong giai đoạn 2021-2025. Hiện 63 tỉnh, thành trong cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, trong đó nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn. Bộ cũng đã hoàn thiện Khung kế hoạch 5 năm bám sát 9 hợp phần của Chương trình với đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể.