Việt Nam liên tục cải thiện thứ hạng
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đến năm 2030 đã được tất cả các nước thành viên tham gia. Trọng tâm của Chương trình là 17 nhóm mục tiêu và 169 mục tiêu cụ thể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Ngay từ khi tham gia Chương trình nghị sự 2030 (năm 2015), qua phân tích, chúng ta đã thấy cơ bản tất cả các nhóm mục tiêu, tiêu chí phát triển bền vững rất phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước. Điều đó được thể hiện phần nào qua sự thay đổi về thứ hạng của Việt Nam kể từ khi Liên Hợp quốc khảo sát, đánh giá và xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững của các quốc gia, các nền kinh tế.
Năm 2016, chúng ta đứng thứ 88. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68. Năm 2018 là đứng thứ 57. Năm 2019 đứng thứ 54. Và với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc đến năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người còn ở hạng ngoài 100. Những kết quả trên cũng thể hiện sự ưu việt của chế độ và con đường phát triển của Việt Nam là đúng.
Phân tích sâu hơn về các nguyên nhân Việt Nam đạt được thứ hạng cao về phát triển bền vững, các thành viên Hội đồng cho rằng trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, thể hiện trong văn bản, nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Kế hoạch, chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Về một số nhóm chỉ tiêu nổi bật, các đại biểu đánh giá tiếp nối những thành công xóa đói, giảm nghèo trong giai đoạn thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trước đây của Liên Hợp quốc, đến nay Việt Nam cơ bản giải quyết tình trạng đói, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng cùng với nỗ lực của Chính phủ để giúp đỡ các đối tượng khó khăn, người yếu thế.
Nhóm chỉ số về giáo dục của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất chắc chắn, luôn được Đảng, Nhà nước và người dân đặc biệt chú ý quan tâm. Giáo dục phổ thông đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), trong tốp 40; giáo dục đại học nằm trong tốp 70, còn đào tạo nghề ở vị trí khoảng 90. So với các nước có cùng trình độ phát triển thì chỉ số phát triển nhân lực của Việt Nam, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, đứng thứ 69.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu rất hiệu quả như tăng cường bảo vệ rừng, phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lực ứng phó thảm họa. Với nhóm mục tiêu phát triển hợp tác quốc tế và kiến tạo hòa bình, Việt Nam cũng được đánh giá là một điểm sáng, nhất là trong 2 năm 2019-2020, chúng ta đã ký kết và triển khai hiệu quả 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn là CPTPP và EVFTA.
Chúng ta đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là vai trò nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2…
Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã bàn sâu về việc xây dựng bộ công cụ giám sát thực hiện chỉ tiêu phát triển bền vững phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương; thống nhất giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẩn trương xây dựng và hoàn thiện bộ công cụ này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá.
Trong thời gian tới, các ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức về phát triển bền vững từ các cơ quan Nhà nước, cộng đồng DN, người dân. Trước hết, Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục rà soát các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội để khắc phục, điều chỉnh những yếu tố không phù hợp với định hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh sự đồng thuận của người dân, các đại biểu cho rằng cộng đồng DN giữ vai trò rất quan trọng, tuy nhiên, về cơ bản hầu hết các DN đều chưa thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của phát triển bền vững. Trong hơn 750.000 DN ở Việt Nam mới chỉ có 100.000 DN được phổ biến, tiếp cận về phát triển bền vững, 2.000 DN là thành viên của cộng đồng DN phát triển bền vững.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cam kết, trong những năm tới đây, sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong từng việc cụ thể nhằm thúc đẩy các DN nhận thức sâu sắc hơn và cùng chung tay thực hiện phát triển bền vững bằng những việc làm rất thiết thực.