Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định làm tiền đề cho hợp tác và phát triển
Trong phát biểu tại hội nghị, để thúc đẩy sự phát triển và không ngừng nâng cao vai trò của châu Á trong tương lai, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề xuất 3 bảo đảm và 3 phát huy. Trong đó, về 3 bảo đảm, Phó Thủ tướng đề xuất châu Á cần bảo đảm điều kiện tiên quyết là môi trường hòa bình, ổn định làm tiền đề cho hợp tác và phát triển; tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Cùng với đó là bảo đảm lợi ích từ tự do thương mại và đầu tư được phân phối rộng khắp và bình đẳng giữa các quốc gia; và bảo đảm hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong giải quyết các thách thức chung.
Về 3 phát huy, Phó Thủ tướng kêu gọi các đối tác trong khu vực tiếp tục nâng cao năng lực thích ứng, sức chống chịu, hiệu quả sử dụng nguồn lực nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế xanh, kinh tế số và thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, du lịch.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng châu Á còn nhiều dư địa để đưa làn sóng văn hóa với nhiều nét đẹp truyền thống tới bạn bè quốc tế, thông qua thúc đẩy hợp tác du lịch, giao lưu văn hóa với các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Phát biểu và thảo luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và là hình mẫu trong một số khía cạnh phát triển quan trọng. Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Trong chặng đường đó, Việt Nam chú trọng triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; kiên trì triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và kiên quyết đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực nhằm củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và hệ thống pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giữ vững và phát huy lợi thế về ổn định chính trị.
Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp
Chia sẻ với Hội nghị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, khẳng định bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và giảm phát thải. Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong chặng đường sắp tới để cùng nhau hóa giải thách thức, biến nguy thành cơ, cùng nhau phát triển nhanh và bền vững.
Trên cơ sở quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa Việt Nam và Nhật Bản, Phó Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hai nước tích cực khai thác Khuôn khổ quan hệ đối tác mới, đẩy mạnh liên kết kinh tế, hợp tác bảo đảm an ninh kinh tế và xây dựng các chuỗi cung ứng ổn định.
Với thông điệp Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn phát huy hơn nữa vai trò “là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm” của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng với giá trị nền tảng là sự đa dạng, năng động và tự cường, châu Á sẽ tiếp tục vững bước, viết tiếp những câu chuyện vẻ vang, hoàn thành sứ mệnh trong thế kỷ 21.
Kể từ năm 2009, Lãnh đạo cấp cao Việt Nam liên tục tham dự các Hội nghị Tương lai Châu Á, góp phần củng cố hình ảnh thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Sự tham dự của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 đã tiếp tục khẳng định đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy vai trò lãnh đạo của châu Á, truyền tải thông điệp về một nền kinh tế phát triển năng động, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, sẵn sàng lắng nghe, quan tâm những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.