Việt Nam đóng góp hết sức mình vì hòa bình, phát triển thịnh vượng trên thế giới

(PLVN) - Sáng 25/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28.
Phó Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.

5 đề xuất quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao chủ đề “Nâng tầm sức mạnh của châu Á trong giải quyết các thách thức toàn cầu”, không chỉ rất phù hợp mà còn là mệnh lệnh của hành động, là trách nhiệm to lớn đặt lên vai các nước châu Á vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thế giới và châu Á đang chứng kiến sự chuyển đổi sâu sắc với nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Trong bối cảnh đó, châu Á cần có trách nhiệm và đóng vai trò quan trọng vào tiến trình khai thác hiệu quả các cơ hội, hóa giải những khó khăn, thách thức to lớn của thời đại.

Phó Thủ tướng khẳng định châu Á hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh để nâng tầm đóng góp giải quyết các thách thức của nhân loại, trở thành hình mẫu cho hoà bình, hợp tác và phát triển.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nêu 5 đề xuất quan trọng. Thứ nhất, các quốc gia châu Á cần cùng nhau chia sẻ và hiện thực hóa tầm nhìn về xây dựng hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, lấy Hiến chương Liên hợp quốc làm trung tâm; kiên trì thúc đẩy hợp tác đa phương, tham gia cải tổ, nâng cao hiệu quả các thể chế quản trị toàn cầu như WTO, IMF, WB...; tăng cường trao đổi, phối hợp lập trường trong các vấn đề quản trị toàn cầu.

Thứ hai, châu Á cần thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn những nỗ lực và hành động chung trong giải quyết các thách thức toàn cầu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cũng như giải quyết các thách thức toàn cầu mới, phi truyền thống như an ninh năng lượng, an ninh mạng, an ninh con người, an ninh y tế…; ủng hộ cách tiếp cận toàn cầu trong giải quyết các thách thức phát triển, khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của doanh nghiệp trong các chương trình, dự án phát triển, tạo thuận lợi về thể chế, đẩy mạnh mô hình đối tác công-tư.

Thứ ba, các nước cần hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để cùng phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; phát huy tốt những động lực tăng trưởng mớinhư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo.

Các nước phát triển hơn trong khu vực cần hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, chia sẻ công nghệ, mô hình quản trị, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng tự cường và bền vững…; phát triển kinh tế trên nền tảng lấy con người làm trung tâm, lấy những giá trị văn hóa tốt đẹp làm nền tảng, coi giải quyết khó khăn, thách thức là động lực để hợp tác cùng vươn lên mạnh mẽ hơn.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, kết nối thế hệ trẻ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch..., hướng tới gắn kết và chia sẻ các giá trị chung.

Thứ năm, bảo đảm việc kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển ở châu Á và trên thế giới. Cần xác định đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, xây dựng lòng tin chiến lược, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình là mẫu số chung gắn kết các quốc gia cùng vượt qua khó khăn, thách thức, khủng hoảng.

Đối với vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đồng thời, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.

Việt Nam và Nhật Bản sẽ trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác vì phát triển

Đánh giá cao vai trò quan trọng của Nhật Bản trong các nỗ lực nâng tầm sức mạnh của châu Á, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nhật Bản đi đầu thúc đẩy các sáng kiến và là mắt xích then chốt trong cấu trúc liên kết kinh tế, các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, là quốc gia tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khôi phục và bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư và ứng phó với các thách thức phát triển.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ với các đối tác, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, Phó Thủ tướng tin tưởng, Việt Nam và Nhật Bản sẽ trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác vì phát triển trên cơ sở triển khai hiệu quả các khuôn khổ, dự án hợp tác đầu tư-thương mại, khoa học công nghệ, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chiến lược, bảo đảm an ninh lương thực và chuyển đổi năng lượng.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đóng góp đưa quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư song phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ các mục tiêu, định hướng, quan điểm và ưu tiên phát triển của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cam kết đóng góp hết sức mình vì hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới.

Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 diễn ra trong hai ngày 25-26/5 tại Tokyo với chủ đề “Nâng tầm sức mạnh của châu Á trong giải quyết các thách thức toàn cầu”. Tham dự Hội nghị có các Nguyên thủ và Lãnh đạo nhiều nước châu Á, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Sri Lanka, Phó Thủ tướng Singapore, Thái Lan và cựu Thủ tướng Malaysia… cùng gần 600 đại biểu là đại diện Chính phủ các nước, các cơ quan nghiên cứu, học giả và doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.

Hội nghị năm nay tập trung thảo luận về tình hình thế giới, khu vực; tầm nhìn, vai trò và định hướng hợp tác của châu Á trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, phục hồi và phát triển kinh tế, chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển, suy giảm các giá trị dân chủ và bất bình đẳng xã hội./.

Đọc thêm