Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, sáng 10/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành họp trực tuyến về tình hình Sudan. Phiên họp có sự tham dự của Công tố viên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Sudan tại LHQ.
Trong phát biểu, các nước thành viên HĐBA hoan nghênh những tiến triển tích cực thời gian qua ở Sudan nói chung và khu vực Darfur (Sudan) nói riêng; ghi nhận tình hình an ninh ở Darfur đã được cải thiện, song còn nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng.
Các nước cũng bày tỏ hy vọng tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ chuyển tiếp và các nhóm vũ trang ở Darfur sẽ sớm đạt kết quả cụ thể; mong muốn Phái bộ Hỗ trợ Chuyển tiếp Hợp nhất của LHQ ở Sudan (UNITAMS) sẽ đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ Chính phủ Sudan trong thời gian tới.
Các nước ghi nhận báo cáo về công việc của Công tố viên ICC trên cơ sở Nghị quyết 1593 (2005) của HĐBA.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Sudan tại LHQ, nhắc lại những chuyển biến tích cực ở Sudan thời gian qua; nhấn mạnh Chính phủ chuyển tiếp sẽ hợp tác tích cực với UNITAMS cũng như với Phái bộ Hỗn hợp LHQ – Liên minh Châu Phi tại Darfur (UNAMID); ghi nhận việc UNAMID dự kiến sẽ kết thúc nhiệm vụ vào cuối năm 2020; nhấn mạnh việc bảo đảm công lý là một trong những trụ cột của quá trình chuyển tiếp ở Sudan, song đây là vấn đề thuộc chủ quyền và thẩm quyền của quốc gia.
Đại sứ khẳng định các cơ quan chức năng của Sudan có đầy đủ năng lực tư pháp để xử lý các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế, trong đó đã và đang tiến hành truy tố, xét xử một số cá nhân liên quan trong thời gian gần đây.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Phạm Hải Anh - Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ - hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ chuyển tiếp của Sudan trong thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển ở Sudan; hoan nghênh việc UNITAMS mới được thiết lập và cho rằng UNITAMS cần hoạt động trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Sudan và có sự tham vấn, hợp tác chặt chẽ với Chính phủ chuyển tiếp.
Đại sứ Phạm Hải Anh cũng nhấn mạnh trách nhiệm hàng đầu trong bảo đảm tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, ngăn ngừa và trừng trị các tội ác nghiêm trọng thuộc về quốc gia liên quan và bày tỏ hy vọng Chính phủ Sudan sẽ có các biện pháp phù hợp để xử lý vấn đề này.
Tình hình Sudan thời gian qua có nhiều diễn biến quan trọng, đặc biệt là việc Chính phủ chuyển tiếp được thành lập vào tháng 8/2019, thay thế Chính quyền của cựu lãnh đạo Omar Al-Bashir. Ngày 4/6, HĐBA đã thông qua Nghị quyết 2524 quyết định việc thiết lập Phái bộ Hỗ trợ Chuyển tiếp Hợp Nhất của LHQ ở Sudan (UNITAMS) với thời hạn 12 tháng. Đây là Phái bộ Chính trị với nhiệm vụ chính hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp, quản trị nhà nước ở Sudan, hỗ trợ tiến trình hòa bình và việc huy động nguồn lực cho kinh tế và phát triển và phối hợp hỗ trợ nhân đạo.
Nghị quyết đề nghị Tổng Thư ký LHQ tiến hành bổ nhiệm một Đại diện đặc biệt (SRSG) của Tổng Thư ký về Sudan kiêm người đứng đầu UNITAMS. Đồng thời, HĐBA thông qua Nghị quyết 2525 quyết định gia hạn Phái bộ Hỗn hợp LHQ – Liên minh Châu Phi tại Darfur – UNAMID (là Phái bộ gìn giữ hòa bình với nhiệm vụ chính là bảo vệ thường dân ở Darfur) đến ngày 31/12/2020 và quyết định việc sẽ xem xét lộ trình rút quân và kết thúc nhiệm vụ của UNAMID trước ngày 31/12/2020./.