Trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về thải rác thải nhựa ra biển, TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT- cho rằng, ngoài việc triển khai tốt chính sách, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác khu vực, chia sẻ thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực Biển Đông.
Để thực hiện điều này, các nước trong khu vực cần có kế hoạch hành động cùng với nguồn lực hậu thuẫn phù hợp để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương đối với từng quốc gia. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các sản phẩm tái chế, công nghệ tái chế trong tương lai...
Còn theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – giảng viên Khoa Môi trường, Đại học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông để chung tay cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa không chỉ là nguyên tắc chung trên thế giới mà còn là nhu cầu hết sức cấp thiết đối với các nước trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Hồi, việc tăng cường hợp tác giữa các nước trong các vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa cũng tạo dựng được lòng tin, thể hiện những dấu hiệu về thiện chí chính trị trong việc giải quyết những vấn đề còn lại ở Biển Đông.