Tại Hội thảo “5 năm gia nhập WTO – Doanh nghiệp thương mại dịch vụ Việt Nam hội nhập và phát triển” tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, trải qua nửa thập kỷ tham gia tổ chức này, nền kinh tế Việt Nam đã được hưởng lợi nhiều hơn là mất mát.
Sau 5 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam liên tục tăng cao. |
WTO – “kết nối” Việt Nam với thế giới
Theo đánh giá của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, việc gia nhập WTO mang lại năm lợi ích cơ bản: Việt Nam không còn bị phân biệt đối xử như trước, bình đẳng với các thành viên khác trong giao thương, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục; mặt khác, nhờ cắt giảm thuế suất nhập khẩu nên giá máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất cũng giảm bớt; người tiêu dùng được lợi nhờ hàng hóa đa dạng hơn; môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, do đó đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng gia tăng và đặc biệt, khi các DN chịu thêm sức ép cạnh tranh đã buộc họ phải vươn lên, hiểu biết hơn về thị trường thế giới và những luật chơi của nó.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, sau 5 năm Việt Nam tham gia WTO, ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Chỉ tính riêng trong năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 90 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2010. Nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại, nhiều kênh phân phối hàng hóa chuyên nghiệp mới ra đời, hàng hóa phong phú, chất lượng dịch vụ nâng cao, nhiều DN nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ đã tạo nên sựu cạnh tranh hết sức quyết liệt.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện Saigon Co.op có 58 siêu thị Coop Mart và 33 cửa hàng Co.op food trên cả nước và chúng tôi đã duy trì được mức tăng trưởng hàng năm đạt hơn 35%. Dự kiến năm 2012, Saigon Co.op sẽ mở thêm 10 siêu thị Co.op Mart và 15 cửa hàng Co.op Food. “Thuyền lớn nhưng sóng cũng lớn. Khi các nhà bán lẻ nước ngoài đầu tư ồ ạt vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đó sẽ là thách thức lớn cho các DN bán lẻ trong nước, nhưng chính những áp lực cạnh tranh đó sẽ tạo nên một động lực thúc đẩy các DN bán lẻ trong nước không ngừng cải tiến và phát huy những thế mạnh riêng vốn có của mình”- bà Hạnh nói.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) nói, nhờ gia nhập WTO hiện nay đã có hơn 60 hãng tàu biển, 50 hãng hàng không quốc tế đang “kết nối” Việt Nam với thế giới. Nhờ đó sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam tăng từ 181 triệu tấn năm 2007 lên 286 triệu tấn năm 2011.
Phải biết vượt lên chính mình
Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) cho biết, sau 5 năm gia nhập WTO, PTSC đã đạt mức tăng trưởng từ 4.497 tỷ đồng năm 2006 tăng lên 26.000 tỷ đồng năm 2011. Tuy nhiên ông Long nói rằng, tỷ trọng lợi nhuận giữ lại tại Việt Nam chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN cũng như của Chính phủ.
Trong lĩnh vực tàu cho thuê, dù đã thống lĩnh 90% thị trường, nhưng năng lực thực sự của PTSC vẫn còn hạn chế bởi chỉ sở hữu 22 tàu trong khi phải thuê lại từ 25-30 tàu, do đó tỷ trọng gia tăng của PTSC chỉ khoảng 30%. Để khắc phục nhược điểm, PTSC sắp tới sẽ từng bước khắc phục khó khăn, đồng thời cần Nhà nước hỗ trợ các chính sách, bảo hộ phù hợp với cam kết WTO nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, ngay tại thị trường nội địa.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, 5 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam có những bước tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ bán lẻ, du lịch và tài chính ngân hàng. Năm 2011, tỷ trọng của ngành dịch vụ chiếm 37,7% (trong khi lao động chiếm 24%). Mức tăng trưởng cao, tuy nhiên ông Thành cảnh báo, ngành dịch vụ đã bộc lộ những con số đáng buồn. Thương mại dịch vụ tăng cao song vì tốc độ tăng trưởng của thương mại hàng hóa cao hơn nên tỷ trọng thương mại dịch vụ giảm so với thương mại hàng hóa, cụ thể từ mức 12,4% năm 2006 và 11,4% năm 2011.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan cũng thẳng thắn cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều hạn chế, như quy mô nhỏ, sức mua yếu, trong đó chủ yếu là bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20%. DN trong ngành bán lẻ có 4 điểm yếu cố hữu, đó là tính chuyên nghiệp, chiến lược kinh doanh dài hạn, năng lực tài chính và lưu thông phân phối. Những điểm yếu này đã cản lực phát triển của ngành, vì thế muốn vươn lên buộc chúng ta phải biết làm mới và vượt qua chính mình.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về gia nhập WTO ) đề xuất, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ hành lang pháp luật và có giải pháp hiệu quả đưa pháp luật đi vào cuộc sống; hoàn chỉnh hệ thống hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ thị trường, bảo vệ sản xuất và quyền lợi đất nước; tiếp tục khai thác các lợi thế để thâm nhập thị trường của 152 thành viên WTO…
Mị Na