Việt Nam giữ tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong ASEAN

Dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các cấp cao liên quan, Việt Nam tiếp tục giữ tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” tiếp tục phát huy thành quả nhiệm kỳ năm Chủ tịch ASEAN 2010, củng cố đoàn kết ASEAN, cùng đóng góp vào việc đẩy mạnh liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực, tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực...

  Từ ngày 17-19/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 (ASEAN-19) và các Cấp cao liên quan bao gồm Cấp cao ASEAN + 3, cấp cao Đông Á (EAS) và các Cấp cao ASEAN + 1 với các đối tác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc) được tổ chức tại Bali, Indonesia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự các Hội nghị này.  

Kéo cờ ASEAN và các nước tại nơi diễn ra hội nghị. Ảnh: AFP

Tham gia đoàn Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh và Phạm Quang Vinh; Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Văn Tùng và Bùi Quốc Bảo; Đại sứ Việt Nam tại ASEAN Vũ Đăng Dũng.

Dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các cấp cao liên quan, Việt Nam tiếp tục giữ tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” tiếp tục phát huy thành quả nhiệm kỳ năm Chủ tịch ASEAN 2010, củng cố đoàn kết ASEAN, cùng đóng góp vào việc đẩy mạnh liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực, tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Qua đó, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ song phương của Việt Nam với các đối tác.

Từ chiều 15/11, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM-44), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tiến hành thảo luận, xem xét tổng thể các nội dung chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao ASEAN-19 và các hội nghị liên quan do các quan chức cấp cao ASEAN (ASEAN SOM) nhất trí báo cáo.

Các nội dung nghị sự được AMM-44 xem xét, đệ trình lãnh đạo cấp cao bao gồm hàng loạt chủ đề, vấn đề liên quan đến xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột, Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng toàn cầu của các quốc gia và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm như thúc đẩy đàm phán Hiệp ước khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ).

Các Bộ trưởng cũng trao đổi nhiều ý kiến về vấn đề Biển Đông, nhất trí cho rằng cần thiết phải duy trì động lực triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) theo những quy tắc hướng dẫn đã nhất trí, trong đó có triển khai các dự án hợp tác đồng thời với bắt đầu xác định những yếu tố cơ bản ban đầu của COC. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho biết các quy tắc hướng dẫn thực thi DOC mà ASEAN và Trung Quốc đạt được tháng 7/2011 đã và đang giúp các bên liên quan tháo gỡ dần những vướng mắc, không cần phải đợi hoàn tất triển khai DOC trước khi bắt đầu tiến trình xây dựng COC.

Ngoài ra, các vấn đề khác cũng được đưa ra bàn thảo như vấn đề triển khai Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN, Diễn đàn Hàng hải ASEAN, vấn đề hợp tác hàng hải và triển khai Tuyên bố của các bên về quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tình hình triển khai những mục tiêu về xây dựng cộng đồng ASEAN trong năm 2011, kết nối ASEAN, chính sách một thị thực ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.

Để đảm bảo an ninh cho Hội nghị cấp cao ASEAN-19 và Hội nghị cấp cao Đông Á, Indonesia đã triển khai khoảng 15.000 cảnh sát và binh sỹ và áp dụng tất cả các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Từ ngày 14-20/11, khu vực trung tâm Nusa Dua, thủ phủ của đảo Bali, nơi đặt trung tâm hội nghị quốc tế, gần như đã trở thành một pháo đài, với xe bọc thép cùng binh sỹ bố trí bên trong và vô số chốt kiểm soát đặt ở vòng ngoài. Tất cả các khách sạn tại khu vực đảo Bali đều được thiết lập hàng rào kiểm soát, đối với cả các phương tiện giao thông và khách ra vào.

An ninh trên biển cũng được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Hải quân nước chủ nhà đã huy động 7 chiến hạm, phối hợp với một số tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát, vừa canh chừng ngoài khơi, vừa trấn giữ tại các hải cảng xung quanh đảo. Các đội thợ lặn và phá mìn tinh nhuệ cũng được tăng cường đến Bali. Nhiều tàu của hải quân và cảnh sát, một phi đội chiến đấu cơ F16, 6 chiếc trực thăng cùng 16 xe thiết giáp đã được bố trí để sẵn sàng ứng phó. Trong suốt thời gian hội nghị, không phận Bali được tuyên bố là vùng cấm bay.

Phúc Lợi (Tổng hợp)

Đọc thêm