Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về những cơ hội phát triển mới trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden?
- Hoa Kỳ là một thị trường nhập khẩu cực lớn với quy mô 3.277 tỷ USD (năm 2022) và cũng là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 8 tháng vừa qua của năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể khiến XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm. Nhưng sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
XK của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023, khi sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đang tăng trở lại. Các mặt hàng XK truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng XK tích cực.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các DN sản xuất và XK.
Bộ Công Thương đánh giá, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của DN Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Chưa kể, nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy và nguy cơ phụ thuộc, DN Hoa Kỳ định hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, từ đó giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn Hoa Kỳ. Đến nay, đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm bảo đảm tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.
Hoa Kỳ luôn là đối tác nhập khẩu hàng đầu của thuỷ sản Việt Nam. (ảnh: Tạp chí công thương) |
Doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự cạnh tranh
Vậy theo ông, DN phải chuẩn bị như thế nào cho cơ hội lớn này?
- Hoa Kỳ là một thị trường siêu cạnh tranh, đòi hỏi DN phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.
Tại thị trường này, sự hiện diện của các nhà sản xuất và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới đòi hỏi các DN Việt Nam luôn phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ. Do đó, để cạnh tranh hiệu quả, các DN Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất mà còn phải bảo đảm quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường XK của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”. Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó.
Ngoài ra, khi XK sang Hoa Kỳ, DN cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản XK, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”.
Bên cạnh đó, DN cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, DN cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro.
Ông đánh giá thế nào về vai trò DN trong mối quan hệ thương mại giữa 2 nước?
- Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đánh giá cao sự đóng góp tích cực của cộng đồng DN hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt chặng đường gần 30 năm qua - khi hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước như hiện nay gần như là điều không tưởng cách đây ba thập kỷ. Trong mỗi bước phát triển của quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, cộng đồng DN hai nước đều đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trân trọng cảm ơn ông!