Nói về quyết định này, trong cuộc gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, mặc dù Hoa Kỳ đã quyết định hoãn áp thuế 90 ngày, nhưng hai nước cần sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương nhằm tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Cũng trong cuộc gặp này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ; Nhấn mạnh Việt Nam kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam mong muốn làm việc với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để cụ thể hoá các nội dung trao đổi giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 04/4/2025 vừa qua, qua đó tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế - thương mại ổn định, bền vững, vì lợi ích của doanh nghiệp và Nhân dân hai nước.
Đồng thời nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để góp phần giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai bên, đáp ứng những quan tâm của phía Hoa Kỳ. Theo đó, việc Hoa Kỳ áp thuế cao đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam không phù hợp với quan hệ kinh tế thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khẳng định, Hoa Kỳ hết sức coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam, mong muốn phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, hướng tới quan hệ ngày càng sâu sắc trên các lĩnh vực. Và chia sẻ những lý do, thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, buộc chính quyền Tổng thống Trump phải thực hiện chính sách thuế quan như vừa qua, giải thích mức thuế cao mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt đối với Việt Nam là do mức độ thâm hụt thương mại lớn của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Đáng chú ý, Hoa Kỳ nhất trí hai bên khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay; Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hoá của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.
Trao đổi với Báo PLVN ngay sau khi thông báo tạm dừng áp thuế quan được đưa ra, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, đây sẽ là thời gian để doanh nghiệp Việt Nam xoay hướng chuyển đổi sang các thị trường mới. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu bình thường, giữ vững thị trường ở Mỹ nhưng song song đó, cần phải tận dụng thời gian này, coi đó là một cú hích để thúc đẩy doanh nghiệp mạnh mẽ trong mở rộng thị trường, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do đã có để tránh tối đa việc phụ thuộc vào một thị trường và các rủi ro biến động thương mại đã xảy ra như giai đoạn vừa qua.
Ông Nguyễn Tất Thịnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương:
Không “đối kháng” mà cần “đối ứng”
Ông Nguyễn Tất Thịnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp cần giữ tâm thế bình tĩnh, không “đối kháng” mà phải chủ động “đối ứng”. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại nội lực, tái cấu trúc lại thị trường và sản phẩm.
Thị trường nội địa với 100 triệu dân là một “cứu cánh” lúc khó khăn này. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển hướng phát triển và chú trọng vào việc cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước; Cần tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tôi đánh giá rất cao phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong việc đàm phán với Hoa Kỳ.
Để ứng phó, theo tôi, trước mắt chúng ta nên tìm thêm các thị trường tiềm năng khác. Việt Nam có tới 17 Hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có 2 hiệp định rất lớn là EVFTA và CPTPP. Vì vậy, việc tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng các lợi thế của thị trường có hiệp định thương mại tự do vẫn là ưu tiên của các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hiện nay”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn cầu:
Các doanh nghiệp hợp tác, liên kết với nhau
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn cầu
Trong thời gian này, các hiệp hội, các doanh nghiệp phải hợp tác, liên kết mật thiết với nhau, vì đây là thời khắc rất quan trọng để chúng ta cầm tay nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách khi Mỹ áp thuế đối ứng vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta phải tạo ra mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng một nền văn hóa hợp tác và chia sẻ vì lợi ích chung”.
Lê Đồng (ghi)