Việt Nam khẳng định trách nhiệm trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương

(PLVN) -  Tại Kỳ họp lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc (UNEA-5.2) vừa diễn ra từ 28/2-2/3 theo hình thức trực tuyến, Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình trên trường quốc tế khi chủ động tham gia xây dựng khung thỏa thuận toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương và cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật quốc gia.
Rùa biển mắc vào nilon. (Ảnh: David Salvatori / Alamy)

Xây dựng hiệp ước toàn cầu có tính ràng buộc

Theo hãng tin Reuters (Anh), Liên Hợp quốc đã thông qua lộ trình cho thỏa thuận nhựa toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề sản xuất và thiết kế sản phẩm nhựa. Các chuyên gia nhận định, đây là hiệp ước toàn cầu quan trọng nhất kể từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015 để thế giới cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, cứu môi trường sinh thái biển.

Trước thềm hội nghị, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố một báo cáo về thực trạng đáng báo động về rác thải nhựa đại dương. Cụ thể, mỗi năm, có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, khoảng 60% là rác thải nhựa một lần.

Điều đáng nói, mặc dù ngày càng nhiều quốc gia triển khai hành động hạn chế hoặc cấm sử dụng sản phẩm nhựa này, trong đó có Việt Nam, nhưng phần lớn rác thải nhựa đổ ra biển vẫn là loại dùng 1 lần. Điều đó cho thấy, đã đến lúc cần phải có một hiệp ước toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn nhằm nâng cao trách nhiệm của các quốc gia để có thể chấm dứt vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa.

Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) Inger Andersen cho biết, thỏa thuận này cần bao gồm việc theo dõi tuổi thọ của các sản phẩm nhựa, tức là cần có hành động can thiệp trong toàn bộ dòng đời của sản phẩm nhựa, từ quy trình khai thác, sản xuất, chế biến cho đến quy trình thải bỏ. Đồng thời phải có những ràng buộc pháp lý rõ ràng, chế tài nghiêm minh.

Việt Nam tích cực hưởng ứng

Theo WWF-Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển mỗi năm. Để giải quyết thực trạng trên, trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, đối thoại song phương và đa phương để tìm ra các giải pháp tối ưu trong giải quyết nạn ô nhiễm nhựa đại dương.

Về mặt đường lối chính sách, trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh một mục tiêu quan trọng là “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”. Vào tháng 8/2021, Chính phủ cũng đã phê duyệt “Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương”.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong và tích cực trên trường quốc tế về vấn đề này. Đơn cử, năm 2017, Việt Nam đã chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động quốc gia, và kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển ngay tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada.

Tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương. Theo đó, 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng, tạo tiền đề một thoả thuận toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.

Cùng với các chương trình về giảm thiểu sử dụng nhựa một lần, thúc đẩy tái chế, tái sử dụng nhựa, chính phủ Việt Nam cũng đang hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững. Đồng thời, kêu gọi và đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội cùng chung tay trong cuộc chiến chống lại vấn nạn “ô nhiễm trắng”.

Từ đó có thể thấy sự chuẩn bị chỉnh chu của Việt Nam trong việc điều chỉnh luật pháp để thích nghi với các yêu cầu quốc tế trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Dù vậy, đây vẫn là một cuộc chiến lâu dài với rất nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên và lớn nhất chính là làm sao để đưa được các quy định pháp lý vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về môi trường và ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và người dân.

Đọc thêm