Việt Nam không lệ thuộc bên ngoài

Biển Đông có liên quan đến lợi ích của rất nhiều quốc gia, cho nên  việc giải quyết vấn đề biển Đông phải có sự hợp tác theo luật quốc tế và theo các tuyên bố mà các bên đã ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Bên cạnh việc hợp tác quốc tế, Việt Nam luôn giữ vững đường lối, quan điểm của mình, không lệ thuộc bên ngoài.

Hội nhập quốc phòng không có nghĩa là tham gia vào các liên minh quân sự, giải quyết vấn đề biển Đông cần có sự hợp tác quốc tế và Việt Nam luôn giữ vững đường lối, quan điểm của mình, không lệ thuộc vào bên ngoài, là nội dung cuộc trao đổi của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh với báo giới bên hành lang quốc hội.

Việt Nam không lệ thuộc bên ngoài ảnh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

- Thưa Bộ trưởng, về quốc phòng, Việt Nam ngày càng có những tiếng nói quan trọng trong khu vực, chúng ta vận dụng như thế nào để giải quyết những vấn đề mà các nước cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông?

- Về vấn đề Biển Đông thì như chúng ta đã biết, các bên tuyên bố chủ quyền liên quan đến 5 nước, 6 bên. Bởi vậy, vấn đề biển Đông không thể một nước nào có thể tự đơn phương giải quyết được mà phải có sự hợp tác với quốc tế, trong đó phải có sự hợp tác với các nước có tuyên bố chủ quyền, hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN cũng như ngoài khu vực ASEAN. Biển Đông có liên quan đến lợi ích của rất nhiều quốc gia, cho nên  việc giải quyết vấn đề biển Đông phải có sự hợp tác theo luật quốc tế và theo các tuyên bố mà các bên đã ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đối với Việt Nam, bên cạnh việc hợp tác quốc tế, chúng ta luôn giữ vững đường lối, quan điểm của Việt Nam, không lệ thuộc vào bên ngoài.

- Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, Việt Nam đang chuyển biến mạnh mẽ về hội nhập quốc phòng. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào? 

Năm nay, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức 16 Hội nghị Quốc phòng lớn với sự tham dự đầy đủ về nội dung và thành phần của các nước. Trong đó cao nhất là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) lần thứ nhất với 8 nước đối tác, đối thoại. Tại các Hội nghị, 5 nội dung ưu tiên được nước chủ nhà Việt Nam đưa ra là an ninh biển, cứu hộ cứu nạn, hợp tác về quân y, chống khủng bố và các hoạt động giữ gìn hòa bình, được các nước đồng thuận cao.
 Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra vấn đề phải giữ hòa bình, ổn định tại biển Đông theo Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

- Cái này người ta nhận xét là đúng. Bởi trong tình hình hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là hội nhập một cách toàn diện vào khu vực và quốc tế. Hội nhập ở đây là chúng ta tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động quốc phòng về mặt quân sự với các nước trong khu vực và thế giới, với lợi ích cao nhất là giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để  xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hội nhập quốc phòng không có nghĩa là chúng ta tham gia vào các khối quân sự, các liên minh quân sự hay là cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ của chúng ta để chống lại nước khác, mà ở đây là chúng ta giữ đường lối độc lập, tự chủ, giữ được chủ quyền lãnh thổ và chúng ta hội nhập như thế nào là do Đảng, Nhà nước quyết định.

- Việc Việt Nam chủ trương xây dựng cảng Cam Ranh thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp và sẽ cho phép tàu của hải quân nước ngoài ra vào là ví dụ cho thấy Việt Nam đang chuyển hướng hội nhập rất rõ về kinh tế quốc phòng, thưa Bộ trưởng?

- Cam Ranh là một tiềm năng của đất nước mà chúng ta cần phải khai thác để vừa phục vụ cho mục đích quốc phòng, vừa phục vụ cho mục đích phát triển về kinh tế và làm các dịch vụ để thu hút các nguồn lực để chúng ta đầu tư trở lại cho lực lượng hậu phương, tạo điều kiện bảo vệ đất nước ngày càng vững chắc hơn. 

- Xin cảm ơn Bộ trưởng

Hồng Thúy (ghi)

Đọc thêm