Việt Nam lọt vào "mắt xanh" của điện ảnh quốc tế?

(PLO) - Hàng loạt thông tin về các cuộc giao lưu, hợp tác về điện ảnh với các nước trong khu vực và thế giới đã cho thấy những thời cơ mới để điện ảnh Việt Nam tiếp cận với quốc tế. Chúng ta có biết tận dụng cơ hội để tạo sức bật cho sự phát triển hay không?
Ngô Thanh Vân xuất hiện trên poster phim "Ngọa hổ tàng long 2"
Ngô Thanh Vân xuất hiện trên poster phim "Ngọa hổ tàng long 2"
Hàng loạt tin vui
Thông tin xôn xao gần đây nhất có lẽ là việc poster bộ phim “Ngọa hổ tàng long 2” có sự hiện diện của nữ diễn viên Việt Nam Ngô Thanh Vân được đặt cạnh các diễn viên Trung Quốc nổi tiếng thế giới như Dương Tử Quỳnh, Châu Tử Đan...

Trước đó, đã có một số “hụt hẫng” khi Lý Nhã Kì, Vũ Thu Phương hay người mẫu Bảo Hòa chỉ xuất hiện vài giây chớp nhoáng trong các phim “bom tấn” nước ngoài, dù trước khi phim công chiếu đã quảng bá rầm rộ đến quá lố. Tuy nhiên, việc Ngô Thanh Vân xuất hiện trong poster chính thức và được công bố bởi website của phim cho thấy tính xác thực của sự việc.

Bản thân Ngô Thanh Vân đã chia sẻ: “Theo kịch bản, tôi được xuất hiện trong khoảng 2-3 phân đoạn chính, bên cạnh hai nhân vật chính của bộ phim. Nếu có cắt những cảnh này thì mạch phim hẳn sẽ trở nên hụt hẫng, nên xem ra tôi sẽ được xuất hiện nhiều hơn hai giây đấy”. 

Một tin vui khác cũng đến trong những ngày cuối năm này, khi diễn đàn Tài chính điện ảnh châu Á thuộc Liên hoan Phim Hồng Kông công bố 28 dự án điện ảnh được lựa chọn thuyết trình tại Hồng Kông, trong đó có 2 dự án của Việt Nam là phim “Vợ ba” (The third wife, đạo diễn: Nguyễn Phương Anh, nhà sản xuất: Trần Thị Bích Ngọc) và dự án phim “Tất cả đều là con tôi” (All my daughter, đạo diễn: Phan Đăng Di, nhà sản xuất: Phan Đăng Di và Lizeroux Lệ Hằng). 

Đặc biệt, “Tất cả đều là con tôi” là một bộ phim dài có cốt truyện hấp dẫn, sâu sắc và kinh phí dự trù lên đến 4,5 triệu USD. Nếu trúng giải, đây hứa hẹn là một điểm nhấn mới của điện ảnh Việt. 

Trước đó đã có vài nhà làm phim Việt được lựa chọn và trúng giải từ diễn đàn này, như “Cha và con và...” của đạo diễn Phan Đăng Di, “Ngủ mơ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Thiên đường bỏ ngỏ” của đạo diễn Síu Phạm.

Giữa năm 2015, khi Chợ dự án châu Á - The Asian Project Market của Liên hoan Phim Busan công bố 30 dự án điện ảnh từ 15 quốc gia để tài trợ tiền mặt khuyến khích hoạt động làm phim, có hai dự án của hai đạo diễn trẻ măng của Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách này. 

Hai dự án có tên “Cha Cha Cha” của Đỗ Quốc Trung và “Thằng Ròm” của Trần Dũng Thanh Huy. Cả hai đều ở thế hệ 9x, đã tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh.

Cũng tham gia dự án phim quốc tế, cuối năm 2015, “Loài cá cô đơn” - dự án phim của đạo diễn Võ Thị Thạch Thảo và nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã giành giải thưởng “Gateway to Digital Award” dành cho hậu kỳ phim tại Hội chợ dự án điện ảnh Southeast Asian Film Financing (SAFF), diễn ra tại Singapore từ ngày 2 - 5/12/2015, nhận số tiền 10.000 SGD (khoảng 150 triệu đồng) cho sản xuất hậu kỳ.

Hình ảnh Ngô Thanh Vân trong "Ngọa hổ tàng long 2"
Hình ảnh Ngô Thanh Vân trong "Ngọa hổ tàng long 2" 

Tận dụng thời cơ thế nào?

Trở lại thời điểm này, một câu chuyện khác cũng đang “nóng” trên diễn đàn điện ảnh Việt, đó là việc bộ phim “bom tấn” Hollywood “Kong: Skull Island” chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia để quay phim. Thông tin này đã râm ran từ 1 tháng trước, khi đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cùng một số thành viên của đoàn làm phim “Kong: Skull Island” ghé thăm trường quay bộ phim “Tấm Cám” của Ngô Thanh Vân ở Ninh Bình, đồng thời khảo sát cảnh quay cho bộ phim. 

Đến nay, khi đoàn phim chính thức đề nghị và được Cục Điện ảnh chấp thuận, người yêu điện ảnh Việt mới “thở phào” vì trước đó, Việt Nam đã “hụt” không ít dự án quay của phim “bom tấn” vì chưa tìm được tiếng nói chung. Trước đó, phim “Pan” của Hollywood cũng đã quay tại hang Én, Quảng Bình, tuy nhiên phim không đạt được hiệu hứng như mong đợi. 

Với “Kong: Skull Island” kinh phí “khủng” và hoạt động quảng bá mạnh mẽ, nhiều người hy vọng dự án sẽ đem lại cơ hội tốt về mặt du lịch cũng như xây dựng thương hiệu Việt Nam - một điểm đến hấp dẫn của điện ảnh thế giới.

Cách đây vài chục năm trước, Việt Nam từng có một đợt “nở rộ” những dự án hợp tác quốc tế như “Người tình”, “Người Mỹ trầm lặng”,  “Đông Dương”... Nhiều người từng kì vọng đó sẽ là bước đẩy cho điện ảnh Việt, nhưng rồi điện ảnh Việt lại trải qua một thời gian dài trầm lắng và thu mình lại. 

Thời điểm này, với nội lực đã bắt đầu vững vàng với sự “lên tay” của các nhà làm phim cũng như sự yêu thích trở lại của khán giả với phim Việt, cộng với những cơ hội hợp tác, cọ xát với các dự án điện ảnh quốc tế, sẽ là một cơ hội cực kì tốt, tạo thêm sức bật cho điện ảnh Việt. Hy vọng thời cơ sẽ không bị “bỏ qua” lần nữa, và điện ảnh Việt sẽ bước đến một trang vàng mới với những mùa gặt hái bội thu. 

Đọc thêm