Việt Nam luôn kiên định đường lối đổi mới, tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ khẳng định một trong những chủ trương nhất quán của Việt Nam là không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm trên khi dự phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Diễn đàn năm nay do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 5/6 theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Vừa tự tin tự chủ, vừa tăng cường hợp tác quốc tế

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Diễn đàn thống nhất cao và khẳng định chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta là kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trong hơn 35 năm Đổi mới, chính việc thực hiện hiệu quả các chủ trương nói trên đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.

Trong bối cảnh thế giới biến động, nhất là những khó khăn, thách thức của hơn 2 năm chống dịch vừa qua, những kết quả đạt được đã thể hiện thành công của Việt Nam trong thực hiện chủ trương này. Định hướng độc lập, tự chủ gắn với hội nhập xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây là yếu tố then chốt, tất yếu khách quan để bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, nâng cao thế và lực của đất nước.

Thủ tướng lấy ví dụ, trước dịch bệnh COVID-19, chúng ta tự quyết số phận của mình, tự tin chống dịch, đặt sức khỏe và tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết. Nhưng mặt khác, chúng ta vẫn hội nhập, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi hợp tác quốc tế thì mới thành công được. Đồng thời, chúng ta giải quyết những vấn đề nội tại của đất nước như nền kinh tế có độ mở cao, yêu cầu cấp thiết phải giải quyết những thách thức nổi lên nhưng vẫn phải đa dạng hóa thị trường thì chúng ta mới có thể phát triển độc lập tự chủ.

Thủ tướng trao đổi cùng các đại biểu dự Diễn đàn.

Thủ tướng trao đổi cùng các đại biểu dự Diễn đàn.

Thủ tướng nêu rõ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và được xác định rõ trong Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, được thể hiện rõ trong Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Hiến pháp năm 2013 và toàn bộ hệ thống pháp luật.

Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng

Thủ tướng cho biết, chúng ta xác định rõ một số mục tiêu chủ yếu như xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững, nhất là phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp nền tảng, chế biến chế tạo, công nghiệp sau thu hoạch. Nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế. Đồng thời, đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân…

Về tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả lấy lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất; xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng…

Quang cảnh Diễn đàn

Quang cảnh Diễn đàn

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị -xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Một lần nữa nhấn mạnh quan điểm không hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự, Thủ tướng cho biết: “Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán: Một là, không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Hai là, tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Ba là, Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức có tính chất toàn cầu, có tính toàn dân”.

Các đại biểu dự Diễn đàn tin tưởng, với khát vọng đổi mới vươn lên mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng tâm, nhất trí của toàn hệ thống chính trị và người dân, quá trình triển khai hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam sẽ xây dựng thành công được một nền kinh tế có nội lực và năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, có khả năng thích ứng và chống chịu được trước những biến chuyển và tác động bất lợi từ bên ngoài.

Nhân tố then chốt của những thành tựu trong 35 năm đổi mới

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh điểm lại những kết quả nổi bật mà Việt Nam đã đạt được sau 35 năm Đổi mới và nhấn mạnh, để đạt được những thành tựu trên, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đọc thêm