Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú với hơn 26,5 triệu tín đồ, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận với khoảng 30.000 cơ sở thờ tự và khoảng 4.000 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó Tin Lành là tôn giáo có số lượng lớn thứ ba tại Việt Nam với hơn một triệu tín đồ.
Người theo đạo Tin Lành tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên với 33 tổ chức, hệ phái, nhóm sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1300 điểm nhóm và Tây Bắc với 693 điểm nhóm và 8 hội thánh cơ sở đã được thành lập.
Các tín đồ và tổ chức Tin Lành được tạo điều kiện tích cực tham gia vào đời sống chính trị - xã hội; khởi xướng, tổ chức các hoạt động xã hội như từ thiện, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, xây dựng cầu đường nông thôn, hỗ trợ giáo dục…
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.
Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi và đánh giá cao.
“Chúng tôi luôn hợp tác và sẵn sàng trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần minh bạch, xây dựng và dựa trên thông tin được kiểm chứng”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.