Việt Nam: Nỗ lực nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về phòng chống tra tấn

(PLVN) - Sau khi trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn) vào năm 2015, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
Lễ Tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan về Công ước chống tra tấn vào tháng 072022.
Lễ Tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan về Công ước chống tra tấn vào tháng 072022.

Theo đó, nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn được nêu trong Bản khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn cũng đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội như: Nghị định của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự, bao gồm quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố…

Các quy định về tái hòa nhập cộng đồng, thi hành án hình sự tại cộng đồng, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc... cũng được ban hành, nhằm hướng dẫn chi tiết quyền của người bị giam giữ, học sinh, trại viên như: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Nghị định của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

Đọc thêm