Việt Nam sản xuất, lắp đặt thiết bị ngăn tàu hỏa trật bánh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết quả thử nghiệm thực tế cho thấy thiết bị hoạt động tốt. Giá thành thiết bị rẻ hơn thiết bị nhập ngoại 20%.
Ảnh minh họa: Báo Giao thông.
Ảnh minh họa: Báo Giao thông.

Công ty CP Xe lửa Gia Lâm mới hoàn thành nghiên cứu xây dựng Quy trình công nghệ chế tạo, thử nghiệm thiết bị xả gió tự động sử dụng cơ cấu cơ khí để lắp cho đoàn tàu hàng. Thiết bị này được chế tạo và hoạt động trên cơ sở nguyên lý của hệ thống hãm toa xe.

Cụ thể, mỗi toa xe sẽ được lắp 4 thiết bị trên 4 trục bánh. 4 thiết bị được nối thông với nhau và được nối thông với đường ống hãm toa xe. Khi bánh xe rời ra khỏi đường ray, nghĩa là trục bánh cũng lệch ra khỏi đường ray và sẽ tác động đến thiết bị làm van xả gió của thiết bị hoạt động, xả gió ống hãm đoàn tàu theo cơ chế hãm khẩn để dừng tàu. Tùy theo tốc độ, tải trọng, vị trí toa xe bị trật bánh, đoàn tàu vẫn “lướt” thêm, tuy nhiên chỉ vài giây sau là dừng lại.

Mặt khác, trên đầu máy có đồng hồ hiển thị áp lực hệ thống hãm đoàn tàu. Khi mất gió, đoàn tàu sẽ tác động đến van hãm của từng toa xe. Người lái tàu theo dõi đồng hồ áp lực sẽ biết được vị trí toa xe bị trật bánh do thiết bị này tác động gây xả gió ống hãm toa xe.

Nếu không lắp thiết bị chống trật bánh kéo dài, với tốc độ, tải trọng đoàn tàu lớn, đoàn tàu dài, khi xảy ra trật bánh toa xe đoàn tàu vẫn lướt tiếp và trượt ra khỏi đường ray, nhưng hệ thống ống gió chưa mất gió để phát sinh hãm. Do đó, đồng hồ không hiển thị giảm áp lực gió nên người lái tàu không thể biết được. Khi lắp thiết bị, xảy ra trật bánh, thiết bị tác động mở van hãm, xả gió, giảm áp cục bộ của hệ thống đường ống hãm thì đồng hồ trên đầu máy sẽ hiển thị, vì vậy lái tàu sẽ biết để xử lý kịp thời.

Kết quả thử nghiệm thực tế cho thấy thiết bị hoạt động tốt. Giá thành thiết bị rẻ hơn thiết bị nhập ngoại 20%.

Theo Báo Giao thông, trước đó, Ban ATGT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã thực hiện đề tài Nghiên cứu, lựa chọn thiết bị chống trật bánh kéo dài và nhập về để sử dụng trên đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi lựa chọn được thiết bị thì không thể nhập về do giá thành cao. Các thiết bị đã nhập về khi chạy thử thực tế lại phát sinh một số vấn đề không phù hợp với thực tiễn vận dụng toa xe hàng ở Việt Nam.

Đọc thêm