Việt Nam cũng sẵn sàng ủng hộ những hoạt động hợp tác với các nghị viện Á – Âu; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, góp phần hỗ trợ nhau đối phó với những thách thức toàn cầu; đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng trên thế giới.
Trong phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch QH khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp nhằm kết nối cơ chế hợp tác nghị viện Á-Âu với các cơ chế hợp tác liên nghị viện, như: IPU, AIPA, APPF... mở rộng chương trình nghị sự, hướng tới thực thi có hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Cho biết Việt Nam đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn, chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào các tiến trình hội nhập khu vực và trên thế giới, Chủ tịch QH bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Á - Âu trên các lĩnh vực, nhất là đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ số hóa, kết nối thông minh, phát triển bền vững, bao trùm...
Nhân dịp này, Chủ tịch QH đưa ra nhiều đề xuất quan trọng nhằm đẩy mạnh liên kết Á - Âu vì mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực như đẩy mạnh liên kết về kinh tế trong khu vực và liên khu vực, hợp tác thương mại đa phương toàn cầu trên cơ sở cùng có lợi và dựa trên luật pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác Á - Âu trong chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao vai trò tiên phong của các nước phát triển, hỗ trợ, tăng cường năng lực đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…
Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh việc tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững, đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân… Những đề xuất của QH Việt Nam đã được Nghị viện các nước đánh giá cao và ủng hộ.
Cũng trong ngày 9/10 (giờ địa phương), MSEAP 3 đã kết thúc sau 1 ngày thảo luận với nhiều kiến nghị và đề xuất đến từ Chủ tịch QH 24 quốc gia thuộc khu vực Á - Âu. Hội nghị đã ra Tuyên bố Antalya thể hiện sự đồng thuận của lãnh đạo Nghị viện các nước trong khu vực về xây dựng hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững. Cùng với việc dự phiên bế mạc, trong ngày, Chủ tịch QH đã có các hoạt động bên lề như hội kiến Chủ tịch QH Hàn Quốc Moon Hee Sang, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Hạ viện Belarus Vladimir Andreichenko.