Việt Nam tiếp tục là “ngôi sao sáng” trong hút vốn FDI

(PLVN) - Mặc dù vốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2024 giảm nhưng tổng số vốn giải ngân của khu vực này trong năm vừa qua lại cao nhất trong lịch sử, khẳng định niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Vốn giải ngân FDI năm 2024 cao nhất trong lịch sử gần 30 năm thu hút FDI. (Ảnh: VGP)
Vốn giải ngân FDI năm 2024 cao nhất trong lịch sử gần 30 năm thu hút FDI. (Ảnh: VGP)

Giải ngân vốn FDI cao nhất lịch sử

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt được bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh trong buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 2024, đó là “vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, khẳng định niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Trong năm 2024 có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn, tăng 31,4% so với năm 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5%, tăng 37,5%. Tiếp theo là Trung Quốc với 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Hồng Kông (Trung Quốc) với 2,17 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư.

Đáng chú ý, trong năm 2024, hàng loạt tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ cao đã đầu tư vào Việt Nam như Tập đoàn công nghệ Amkor (Hàn Quốc) đầu tư 1,07 tỷ USD cho nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn; Tập đoàn SK đã mua lại cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất ISCVina, chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) với tổng mức đầu tư 300 triệu USD. Tính theo doanh thu, SK Group là tập đoàn kinh tế gia đình (chaebol) lớn thứ 3 Hàn Quốc chỉ sau Samsung và Hyundai.

Đặc biệt phải nhắc đến “ông lớn công nghệ Nvidia” trở lại Việt Nam vào tháng 12 vừa qua và chính thức công bố mua lại VinBrain - công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup - để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam. Theo kế hoạch, Nvidia sẽ lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (Vietnam Research and Development Center - VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Hai cơ sở này được kỳ vọng là nền tảng giúp Nvidia cùng các đối tác trong nước triển khai AI tiên tiến.

Ngoài ra, còn hàng loạt nhà đầu tư lớn đã hiện diện tại Việt Nam và gia tăng vốn sản xuất tại Việt Nam trong năm 2024 như Tập đoàn LG đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng; Hyosung (Hàn Quốc) đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào Việt Nam và dự kiến đầu tư thêm 2 tỷ USD; Samsung dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam. Samsung Display cũng đã ký bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử tại Bắc Ninh trị giá 1,8 tỷ USD.

Foxconn - nhà cung cấp thiết bị điện tử cho Apple, đầu tư 551 triệu USD vào Dự án về sản phẩm giải trí thông minh và thiết bị hệ thống thông minh, nâng tổng vốn đầu tư của Tập đoàn này vào Quảng Ninh lên hơn 1 tỷ USD. Cùng với đó, Foxconn cũng đã công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang.

Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia cởi mở và là điểm đến đầy hứa hẹn của công nghiệp bán dẫn. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia cởi mở và là điểm đến đầy hứa hẹn của công nghiệp bán dẫn. (Ảnh minh họa)

Luxshare - ICT cũng quyết định tăng vốn đầu tư thêm 150 triệu USD lên mức 358,5 triệu USD vào dự án tại Nghệ An. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hyosung đầu tư 700 triệu USD vào Dự án nhà máy sợi sinh học Bio-BDO (Butanediol); Tập đoàn Talway - Doanh nghiệp (DN) sản xuất thiết bị ắc quy ô tô đầu tư 700 triệu USD, Capital Land đầu tư 661 triệu USD...

Các tập đoàn đa quốc gia ngày càng quan tâm đến Việt Nam

Có thể thấy, dù tổng mức thu hút FDI năm 2024 giảm nhưng tổng số vốn thực hiện lại tăng cao nhất trong lịch sử gần 30 năm thu hút FDI của Việt Nam cho thấy Việt Nam vẫn luôn là sự lựa chọn an toàn đối với các nhà đầu tư lớn của thế giới. PGS.TS. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh việc số vốn FDI giải ngân tăng cao trong năm 2024 là chỉ dấu cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và các dự báo về việc Việt Nam tiếp tục nổi lên như một điểm đến an toàn, một “ngôi sao sáng” trong thu hút FDI tiếp tục được giữ vững.

Báo cáo của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC cũng khẳng định, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Điều này được lý giải là nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. Chưa kể, nếu so sánh chi phí lao động trong khu vực châu Á thì mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn dù người dân có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng. Ngoài ra, các chi phí khác, như năng lượng cần thiết cho vận hành nhà máy, dầu diesel vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp cũng có lợi thế cạnh tranh về giá khi thường thấp hơn các nước trong khu vực.

Đáng chú ý, các chuyên gia HSBC nhấn mạnh, việc Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP). Đây chính là những hiệp định có nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam và chính là “điểm hút” rất lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tin tưởng triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, thông qua các khảo sát từ kết quả kinh doanh của thành viên EuroCham cho thấy, DN châu Âu ngày càng tin tưởng và thấy sự lạc quan ngày càng tăng của lãnh đạo DN về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, bất chấp những thách thức từ bối cảnh toàn cầu đầy biến động. “Điều này không chỉ cho thấy niềm tin vào triển vọng thị trường Việt Nam mà còn được củng cố bởi kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch và hiệu quả hơn” - ông Bruno Jaspaert nói.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham.(Ảnh: Eurocham)

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham.(Ảnh: Eurocham)

Trong đó, cần phải nhấn mạnh đến sự lạc quan về triển vọng trong 5 năm tới của cộng đồng DN này. Theo đó, có đến 17% lãnh đạo DN thấy rất lạc quan về về tiềm năng của Việt Nam như một môi trường ổn định và hấp dẫn cho sự phát triển lâu dài; 58% lãnh đạo DN thấy tương đối lạc quan. Cùng với đó, có đến 75% lãnh đạo DN châu Âu tại Việt Nam cho rằng quốc gia này sẽ tiếp tục là lựa chọn ưu tiên cho các dự án đầu tư.

“Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các DN châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, GDP của quốc gia này vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á” - Chủ tịch EuroCham khẳng định.

Đại diện EuroCham nói thêm, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các DN châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này. Theo đó, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang mang đến nhiều tiềm năng, với 58% DN dự đoán sẽ có nhiều lợi ích đối với khả năng di chuyển của lực lượng lao động và vận tải logistics. Tuyến đường sắt này được dự kiến sẽ cải thiện đáng kể khả năng kết nối giữa hai miền, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và cải thiện môi trường kinh doanh chung.

Bên cạnh đó, sự phát triển của cơ sở hạ tầng hàng không và hàng hải cũng đóng vai trò không nhỏ. Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ nâng cao sức cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, trong khi các cảng nước sâu của Hải Phòng đang góp phần phát triển nền kinh tế hàng hải của quốc gia. Tổng thể, tất cả những phát triển trong các lĩnh vực đường sắt, hàng không và hàng hải sẽ củng cố vị thế của Việt Nam như một đối thủ mạnh trong vận tải khu vực và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy một môi trường kinh doanh kết nối hiệu quả hơn.

Đặc biệt, sau siêu bão Yagi, cộng đồng DN châu Âu đã ưu tiên hàng đầu vào việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu của Việt Nam. Các nỗ lực hiện tập trung vào việc cải thiện dự báo thời tiết, thiết lập các quy trình ứng phó thảm họa hiệu quả và xem xét triển khai các sản phẩm bảo hiểm tham số. Song song đó, các DN cũng đang đẩy mạnh tuân thủ ESG thông qua việc đặt ra các mục tiêu bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và phát triển cơ sở hạ tầng kiên cố. Những sáng kiến này không chỉ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu phức tạp trong tương lai mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh bền vững và có tầm nhìn chiến lược.

Đọc thêm