Đây là diễn đàn quy mô lớn, thu hút hơn 400 đại biểu phía Hàn Quốc là lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, cùng lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung, LG, Lotte, SK, CJ, Posco, các định chế tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cùng nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã điểm lại một số thành quả của quan hệ hợp tác kinh tế nói chung giữa hai nước, giới thiệu về định hướng quản lý, hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư lớn nhất, đối tác hợp tác phát triển song phương và du lịch lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Với hơn 66 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò tích cực trong nhiều lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam như may mặc, điện tử, hạ tầng, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ, tài chính ngân hàng, logistics... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, xuất khẩu, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh Việt Nam hiện là một trong 10 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 61 triệu người dùng thường xuyên. Ngoài ra, với dân số trẻ, năng động, Việt Nam dành ưu tiên cao nhất phát triển nền kinh tế số dựa trên đổi mới, sáng tạo. Việt Nam đã ban hành Chiến lược Công nghiệp 4.0 (Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 9/2019).
Hiện nay, quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ USD năm 2025 với các lĩnh vực tiềm năng như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc hợp tác, liên kết và hỗ trợ tài chính với các đối tác trong nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng lưu ý, chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam thời gian tới sẽ được thực hiện một cách chủ động, có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Theo đó, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.