Việt Nam và Indonesia ký kết ý định thư về tăng cường hợp tác cảnh sát biển

(PLO) - Ngày 23/8/2017, tại thủ đô Jakarta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có “Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa Cảnh sát Biển (CSB) Việt Nam và Indonesia” (gọi tắt là Ý định thư). 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo chứng kiến Lễ ký Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển hai nước Việt Nam - Indonesia. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo chứng kiến Lễ ký Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển hai nước Việt Nam - Indonesia. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Đây là sự kiện nhận được sự quan tâm của dư luận, mang đến kỳ vọng mới về hợp tác thực chất, hiệu quả giữa CSB hai nước. Xoay quanh sự kiện này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quang Đạm (ảnh) - Tư lệnh CSB Việt Nam.

Việc ký kết Ý định thư được cho là thành công quan trọng trong hoạt động đối ngoại lần này. Trung tướng có thể chia sẻ quan điểm về đánh giá trên?

 - Đúng vậy, đây là thành quả chung đạt được từ nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Indonesia thời gian qua. Về phía Việt Nam, đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự nỗ lực, tích cực, sáng tạo trong công tác đối ngoại của lực lượng CSB Việt Nam. Sở dĩ gọi là thành công, bởi Ý định thư có ý nghĩa, tầm quan trọng cấp thiết, vừa là cơ sở để giải quyết từng bước những tồn tại, vướng mắc, vừa là tiền đề quan trọng cho hợp tác thực chất, lâu dài giữa hai lực lượng. Ý định thư phù hợp với nguyện vọng chung, chính đáng của nhân dân hai nước; kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam và Indonesia; góp phần giữ vững ổn định trên vùng biển liên quan và hòa bình, phát triển của khu vực.

Do khác biệt về cơ cấu, tổ chức (lực lượng CSB Indonesia thuộc Văn phòng Tổng thống) nên hai bên gặp không ít khó khăn trong hợp tác. Thời gian qua, hai lực lượng mới dừng lại ở mức độ trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin. Do đó, việc tiến hành đàm phán thuận lợi, hiệu quả và ký kết thành công Ý định thư được xem là dấu mốc quan trọng, tạo ra cơ hội mới, điều kiện mới, triển vọng tốt đẹp trong hợp tác giữa hai lực lượng.

Hơn nữa, việc ký kết Ý định thư lần này đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn trên vùng biển Việt Nam-Indonesia. Hiện nay, tình hình ở vùng biển này cơ bản ổn định. Hai nước đã phân định thềm lục địa vào năm 2003, phê duyệt năm 2007 và đang tiến hành đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế. Thế nhưng đứng trước yêu cầu phân định về chủ quyền như vậy, thời gian qua, trên vùng biển này diễn ra những vấn đề, sự việc liên quan đến an ninh trật tự như: Cướp biển có vũ trang, vượt biên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngư dân... Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng CSB hai nước nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề đặt ra. Mặt khác, đứng trước sự phát triển của mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Indonesia trong giai đoạn mới, hoạt động của CSB hai nước phải thực chất và tương xứng với quan hệ này.

Với ý nghĩa đó, hai bên đã ký kết Ý định thư, thống nhất đạt được hiểu biết chung về ý định thúc đẩy hợp tác song phương thông qua các hoạt động củng cố liên lạc hiện có và thiết lập đầu mối liên lạc giữa hai bên; thường xuyên tổ chức trao đổi, nhóm họp để thảo luận về các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải; tiến đến xây dựng Bản ghi nhớ (MoU) giữa CSB Indonesia và CSB Việt Nam nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác hiện nay trong lĩnh vực an toàn, an ninh hàng hải; thúc đẩy thiết lập cơ chế hợp tác về tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ ngư dân.

Trung tướng có thể chia sẻ các bước ưu tiên trong triển khai thực hiện Ý định thư mà hai bên đã thống nhất?

- Trước khi ký kết Ý định thư, lực lượng CSB hai bên đã thống nhất với nhau về những công việc cần triển khai trước mắt và đã hoàn thành một số phần việc ban đầu. Trước hết, hai bên thống nhất nhận thức chung: Khi xử lý các tình huống, sự việc trên biển phải xuất phát từ quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia. Hai bên coi trọng việc thực thi pháp luật, lấy pháp luật để giữ vững ổn định vùng biển này, tập trung vào việc lấy pháp luật để bảo vệ ngư dân, hỗ trợ ngư dân của hai nước.

Thứ hai, ngay sau khi ký kết Ý định thư, hai bên nhanh chóng thiết lập đường dây nóng - kênh liên lạc nóng để tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, xác minh vụ việc và phối hợp cùng nhau giải quyết kịp thời những vấn đề xảy ra trên biển. Hiện tại, hai bên đã thống nhất được địa chỉ liên lạc và nhất trí sử dụng tiếng Anh khi liên lạc chính thức qua đàm thoại hoặc văn bản. Hai bên thống nhất lần lượt thay phiên tổ chức họp thường kỳ ít nhất một năm một lần tại Indonesia và Việt Nam (tiêu đề của cuộc họp thường niên là “Đàm thoại Cảnh sát Biển”).

Thứ ba, hai bên tích cực, kịp thời triển khai việc tuần tra chung giữa CSB Việt Nam và Indonesia, lấy ranh giới thềm lục địa làm ranh giới tuần tra chung. Hai bên hết sức tôn trọng ranh giới này và chủ động tham mưu cho Chính phủ hai nước nhanh chóng tiến tới ký kết phân định đặc quyền kinh tế; làm cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiến hành tuần tra, kiểm soát, duy trì việc thực hiện pháp luật của mỗi nước, giữ vững ổn định trên vùng biển. Hai bên thống nhất, trên cơ sở Ý định thư vừa ký kết, CSB Việt Nam và Indonesia sẽ nhanh chóng thảo luận, tiến tới ký Thỏa thuận chung giữa hai lực lượng trong thời gian sớm nhất có thể.

Vấn đề bảo vệ ngư dân khi khai thác thủy, hải sản trên vùng biển Việt Nam - Indonesia được dư luận đặc biệt quan tâm. Hai bên đã thống nhất về vấn đề này như thế nào, thưa Trung tướng?

 - Từ đầu năm 2017 đến nay, việc các lực lượng chức năng Indonesia tiến hành xua đuổi, bắt giữ hàng chục vụ, hàng trăm tàu cá, ngư dân Việt Nam, nhất là việc dùng bạo lực xua đuổi tàu cá, uy hiếp ngư dân bằng vũ khí của lực lượng chức năng phía bạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Với tinh thần hiểu biết lẫn nhau, CSB Việt Nam đã thẳng thắn trao đổi về quan điểm, thái độ và hướng giải pháp giải quyết vấn đề này. Hai bên thống nhất, lấy tuyên truyền, giáo dục ngư dân là biện pháp ưu tiên hàng đầu. CSB Việt Nam đề nghị CSB Indonesia, với vai trò trung tâm của mình, tham mưu cho Chính phủ điều phối các lực lượng, lấy việc hỗ trợ ngư dân làm chính, không sử dụng các biện pháp gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thân thể, tài sản ngư dân bởi điều đó hoàn toàn trái với thông lệ quốc tế và quy định quốc tế, đi ngược với nỗ lực vun đắp tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia của lãnh đạo và nhân dân hai nước. Hơn nữa, nếu không kiểm soát được thông tin, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng, kích động, chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Cần nói thêm rằng, gần đây, có một thực tế là ngư dân Việt Nam sang khai thác, đánh bắt thủy, hải sản ở vùng biển thuộc chủ quyền Indonesia, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ song phương, trước hết là quan hệ giữa hai lực lượng. CSB Việt Nam đề nghị, trong trường hợp ngư dân vi phạm pháp luật của Indonesia thì xử lý theo luật pháp hiện hành của nước bạn. Hai bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp, biện pháp giáo dục, tuyên truyền, vận động ngư dân mỗi bên tôn trọng chủ quyền hợp pháp của mỗi nước. Các vấn đề phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với thông lệ chung và được hai quốc gia tôn trọng thì ngư dân phải chấp hành triệt để.

Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Đọc thêm