“Án để đời” có thể là một vụ án oan…
Ông là Lê Thành Tựu, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình. Theo lời ông kể lại, khi nhận được điện trong đêm về vụ nổ lựu đạn xảy ra chiều tối ngày 24/2/1995, các cán bộ công an vào tiến hành xem xét hiện trường. Lúc đó, chủ yếu anh em công an hỏi một số bị hại để xác định xem đến đấy làm gì, đi đâu mà lại tập trung đông đủ cán bộ ở đó vào thời điểm ấy.
Sau khi khám nghiệm xong thì đưa ra rất là nhiều giả thiết, không loại trừ những vấn đề liên quan đến tình ái, thù oán, kinh tế… Sau đó Ban giám đốc họp để đánh giá, nhận định vụ án và đưa ra hướng điều tra. Hướng điều tra sẽ đi sâu vào nhiều mặt, nhóm vào tình ái, nhóm vào thù oán, nhóm vào kinh tế, nhóm vào công luận, mâu thuẫn với bà con làng xóm, hoặc loanh quanh trong địa phương xem có nổi cộm lên vấn đề gì.
Khoảng 4-5 ngày sau rà soát thì phát hiện một vấn đề nổi cộm, đó là do cán bộ xã có tổ chức bắt một số gỗ (gỗ xấu, tức là gỗ không nằm trong nhóm của kiểm lâm quản lý). Lại lập tức khoanh vùng xem bắt gỗ của những thằng nào, thời gian, bắt bao nhiêu có dẫn đến việc thanh lý, trả thù nhau không.
Từ căn cứ đó, mới mở rộng điều tra vào những đối tượng chặt gỗ, mua bán gỗ, là bao nhiêu thằng, những thằng nào là mới gần đây bị bắt thì các chú khoanh được một số đối tượng để các chú bắt đầu nghiên cứu sâu. Nghiên cứu sâu ở đây là nghiên cứu toàn bộ về mặt thời gian trong thời điểm trước, sau và trong thời gian xảy ra vụ án thì chúng đi đâu làm gì, xem có đối tượng nào bất minh về mặt thời gian hay không.
Từ đó, nổi lên các đối tượng như Nguyễn Văn Tân, Nghị củ (tức Nguyễn Văn Nghị) và Hùng O, tức Nguyễn Văn Hùng (người đã làm đơn kêu oan từ lúc còn trong tù và sau này, khi đã thụ án xong cũng vẫn làm đơn kêu oan).
Ông Tựu kể: “Trước lúc xảy ra vụ án Hùng O gọi một ông công nông đến để chở phân trâu, phân bò đi bán. Ông công nông khai, khi ông công nông đến, Hùng O bỏ bẵng một thời gian đi đâu đó mới về, lúc ấy là 7h tối vì TV phát chương trình “Những bông hoa nhỏ”. Hùng về được một lúc lại đi. Tôi thấy thằng này khá lỳ lợm và giỏi đánh lạc hướng. Hóa ra là nó gọi công nông đi mua trâu là để hợp pháp hóa chứng cứ ngoại phạm của nó”.
Lại qua điều tra mới phát hiện ra đối tượng Tân có một thời gian đi bộ đội, Tiểu đoàn 141 ở Sóc Sơn. Qua khai thác Hùng O, điều tra viên lại biết thêm thông tin thời kỳ Tân đi bộ đội có xin được một quả lựu đạn. Nhưng phải làm thế nào để xác minh thông tin “Tân có một quả lựu đạn” lại là vấn đề khá khó khăn. Nhưng các điều tra viên vấn quyết định bắt, “vì đây là án trọng điểm”, ban đầu bắt với tội danh “buôn gỗ”, sau mới chuyển qua vụ án nổ lựu đạn giết người xảy ra ở cầu Mát.
Ông Tựu kể, quá trình điều tra, Tân là người nhận tội đầu tiên “khai răm rắp”, còn Hùng O rất cố thủ, trước sau dứt khoát không nhận tội. Ngay cả khi các cán bộ điều tra cài người vào trong cùng phòng tạm giam với Hùng, đối tượng này cũng “nhất quyết không khai nhận”.
Ông Tựu kể lại: Đấu tranh trong vụ án này rất khó khăn. Thậm chí xác định không thể cho chúng nó đối mặt với nhau để đấu tranh nhưng phải để cho các đối tượng biết đồng bọn của chúng đã khai và chúng chỉ còn cách nhận tội. Lúc bấy giờ anh Nguyễn Văn Ba là Giám đốc Công an tỉnh nôn nóng và sốt ruột lắm rồi. Ngày nào ông ấy cũng vào trại tạm giam, ông ấy không vào được thì lại cử Phó giám đốc vào xem xét, nắm bắt tình hình. 4-5h chiều hàng ngày đều phải báo cáo diễn tiến vụ án với Giám đốc.
Vụ án đã xảy ra hơn 20 năm nhưng ông Tựu gần như nhớ từng chi tiết. Ông kể: “Thằng Tân là người rút cái chốt mỏ vịt ra và nó có một động tác, đúng là có hiểu biết về vũ khí quân dụng, chứ người khác không thể làm được như nó. Nó kẹp cả cái mỏ vịt để nó giữ, khi nó bật chốt cái mỏ vịt ra thì nó mới nổ. Chứ còn cứ để khóa như thế thì không thể nổ được. Nó gài vào sau lốp xe 81 mà nó kẹp được, phải nói là giỏi”.
Bằng chứng khẳng định ông Hùng không có mặt tại hiện trường vụ nổ lựu đạn |
Những mâu thuẫn trong lời kể của điều tra viên…
Ông Tựu say sưa kể về chiến công này, trong đó, ông đặc biệt tâm đắc với việc phát hiện ra Nguyễn Văn Tân mới là đối tượng gài mìn chứ không phải Nguyễn Văn Hùng, còn liên tục khen Tân hiểu biết mới làm được. Tuy nhiên, trong Bản án số 18 HS/ST có ghi rõ: “… Hùng bình tĩnh vòng tay phải ra sau móc quả lựu đạn ở túi quần ra rồi chuyển sang tay trái… Tay trái cầm chặt lựu đạn ấn vào lốp sau của xe máy ở phần tiếp đất, hướng sao cho mỏ vịt chèn chặt không bật được… Thấy an toàn Hùng nhẹ nhàng rút tay ra khỏi quả lựu đạn, xong rồi Hùng khom lưng đi ra khỏi cổng…”.
Thêm nữa, trong lời kể của ông Tựu cho rằng, ông công nông, tức anh Đinh Xuân Thọ, khai rằng, Hùng O thuê anh đi chở phân nhưng chạy đi đâu đó 2 lần, đủ thời gian để chạy đi tiến hành vụ nổ ở cầu Mát. Ông Tựu còn khẳng định, ông đã hỏi rất kỹ ông Thọ, xem thời gian ông Thọ đi khoảng bao lâu, có đủ thời gian để tiến hành vụ nổ không.
Trong khi đó, chính ông Thọ thừa nhận với chúng tôi, trong suốt buổi tối ngày xảy ra vụ nổ, ông Thọ và ông Hùng đi cùng nhau, chỉ rời nhau 2 lần, một lần khoảng 15 phút, và lần sau khoảng 3-5 phút. Ông Thọ khẳng định: “Với khoảng thời gian ấy, Hùng không đủ để đi đến cầu Mát, vì khoảng cách giữa 2 địa điểm khoảng 3 km”.
Chúng tôi cũng tiếp xúc với ông Nguyễn Thành Ngươm, tên thường gọi là Nhơn, là người đã bán phân cho ông Hùng trong ngày xảy ra vụ nổ. Ông Nhơn khẳng định: “Lúc đầu tôi chỉ thấy anh Hùng và anh Thậm xúc phân, sau đó, vì sợ trời tối, anh Hùng nhờ tôi xúc cùng. Như vậy tôi khẳng định, trong khoảng từ 16h30-19h anh Hùng không bỏ đi đâu nên không thể chạy đến cầu Treo để gây ra vụ nổ được”.
Những lời kể từ điều tra viên chính của vụ án, người được Nguyễn Văn Hùng cho rằng “đánh đập, ép cung ông nhiều nhất” đã cho thấy có sự mâu thuẫn trong quá trình phá án vụ án điểm này. Cùng với lời thú tội “đổ tội" cho Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Nghị để được nhẹ tội” của thủ phạm vụ án Nguyễn Văn Tân (đã được báo PLVN phản ánh) cho thấy các cơ quan tố tụng trung ương nên vào cuộc để làm rõ trắng đen. Từ đấy góp phần giải oan thân phận “kẻ giết người” cho một người dân vô tình “mắc án”…