Viettel tích cực đóng góp thúc đẩy kinh tế số khu vực ASEAN

(PLVN) -  Trực tiếp phát triển  hạ tầng viễn thông ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Đông Timor và Myanmar, Viettel tiên phong triển khai các dự án nền tảng chuyển đổi số tại 5 quốc gia, toàn diện từ chính phủ, doanh nghiệp và người dân. 

Ngày 28/7/2020 đánh dấu 1/4 thế kỷ Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó, Viettel đại diện cho Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng góp phần thay đổi hạ tầng viễn thông của 5/10 quốc gia, góp phần thay đổi cơ hội công bằng số trên toàn khu vực. 

Từ cách mạng viễn thông...

Lĩnh vực CNTT-VT trong 10 nước ASEAN không đồng đều. Bên cạnh những quốc gia phát triển như Singapore, Malaysia, Thái Lan còn có những quốc gia có hạ tầng hạn chế như Campuchia, Lào, Đông Timor hay Myanmar. Đó cũng là những nước Viettel lần lượt đầu tư và nhanh chóng thay đổi diện mạo thị trường viễn thông. 

Tại Campuchia, mạng Metfone (thương hiệu của Viettel tại Campuchia) lần đầu tiên phủ sóng tới 97% dân cư nhanh chóng trở thành mạng có thị phần số 1 tại đất nước này. Tại Lào, hạ tầng viễn thông tăng lên gấp 4 lần sau khi Viettel đầu tư. 

Mạng 4G LTE hiện đại được triển khai từ năm 2015, đưa số lượng người dân sử dụng Internet tăng từ 29,6% lên 49,2% (2015). Số lượng người dân Đông Timor được tiếp cận các dịch vụ viễn thông tăng từ 30% lên 60% dân số. Kể từ khi gia nhập thị trường viễn thông, Mytel – thương hiệu Viettel đầu tư tại Myanmar – đã giúp phổ cập dịch vụ Internet tại đất nước này với mật độ tăng từ 31% (tháng 6/2018 – thời điểm Mytel cung cấp dịch vụ) lên 55% (tháng 9/2019).

 Metfone - mạng di động của Viettel tại Campuchia.

Cho đến thời điểm hiện tại, dịch vụ internet băng rộng dựa trên cáp quang và 4G đều được Viettel phủ khắp tại 5 quốc gia ASEAN. Đây chính là nền tảng quan trọng để từng quốc gia triển khai hàng loạt dự án 4.0 trên nhiều lĩnh vực chính phủ điện tử, thanh toán điện tử, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh… Từng bước kiến tạo xã hội số và xây dựng nền kinh tế số. Ngay tại thời điểm hiện tại, Viettel đã thử nghiệm thành công và trình diễn 5G, IoT tại tất cả các thị trường. Tùy theo từng quốc gia, những giải pháp trong hệ sinh thái số từng bước được triển khai, như thanh toán số, ví điện tử, chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giáo dục số…

Song hành với thay đổi hạ tầng VT-CNTT, Viettel cũng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 6.500 lao động người sở tại, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng lao động tại 4 quốc gia đầu tư.

...Đến kiến tạo kinh tế số

Những đóng góp của Viettel trong cải thiện hạ tầng viễn thông đã mở ra tiềm năng phát triển năng động cho các quốc gia ASEAN. Theo nghiên cứu của hãng Bain & Company (Mỹ), tỷ lệ của kinh tế số tại khối ASEAN hiện tại mới chỉ khoảng 7% GDP (2018). Con số này khá thấp khi so với tỷ lệ 16% ở Trung Quốc, 35% ở Mỹ (35%), hoặc 27% ở nhóm các nước Union-5 Châu Âu (gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh). 

Mytel – thương hiệu Viettel đầu tư tại Myanmar. 

Một báo cáo khác của hãng AT Kearney (Mỹ) khẳng định: bất chấp những giới hạn ở năm 2019, ASEAN hoàn toàn có thể vào TOP 5 khu vực kinh tế số phát triển nhất thế giới vào năm 2025. Những chương trình phát triển kinh tế số nghiêm túc có thể đóng góp vào GDP của ASEAN đến 10.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. 

Điều đó cho thấy tiềm năng rất lớn dành cho kinh tế số ở các quốc gia ASEAN. Và cũng nhận thấy những giá trị từ nền tảng của chuyển dịch số. Tuy nhiên, vượt lên trên những con số, những thắng lợi của Viettel khẳng định Việt Nam đã từng bước hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, ngày càng tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.  

Đến nay, Viettel đã triển khai thử nghiệm 5G tại Việt Nam, Lào, Campuchia, đưa những quốc gia này trở thành những nước triển khai 5G sớm nhất trên thế giới. Đồng thời triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ thúc đẩy nền kinh tế số và kiến tạo xã hội số như, điển hình là triển khai các giải pháp chính phủ điện tử, thanh toán/ tài chính số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp...

Đọc thêm